Thông tư liên tịch số 100/2010/TTLT-BQP-BCA ngày 22/07/2010 giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an Hướng dẫn Nghị định 74/2010/NĐ-CP về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 100/2010/TTLT-BQP-BCA
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Công An, Bộ Quốc phòng
- Ngày ban hành: 22-07-2010
- Ngày có hiệu lực: 08-09-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 04-04-2019
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 3130 ngày (8 năm 7 tháng 0 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 04-04-2019
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ QUỐC PHÒNG - | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2010 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 74/2010/NĐ-CP NGÀY 12 THÁNG 7 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮA LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ VỚI LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRONG CÔNG TÁC GIỮ GÌN AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng;
Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hướng dẫn về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn điểm c khoản 2, khoản 3 Điều 3; điểm a khoản 4, điểm a khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 4; khoản 3 Điều 8; khoản 2 Điều 20 của Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 74/2010/NĐ-CP) về xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; trao đổi thông tin; giao ban; kiểm tra; sơ kết, tổng kết; phối hợp hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khi cơ sở chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thực hiện lệnh thiết quân luật và giới nghiêm giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
2. Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) có tổ chức lực lượng tự vệ; Ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở; Ban chỉ huy quân sự, Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
3. Lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt, lực lượng công an cấp xã.
Điều 3. Kế hoạch phối hợp hoạt động
1. Kế hoạch phối hợp hoạt động trong thời bình
a) Nội dung kế hoạch:
- Đánh giá tình hình liên quan nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
- Nội dung, thời gian, lực lượng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cụ thể: trao đổi thông tin; vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ sở an toàn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tuần tra, canh tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; huấn luyện, diễn tập về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đấu tranh phòng chống tội phạm; giải quyết các tình huống (tranh chấp, khiếu kiện có hành vi vi phạm pháp luật; các hoạt động phá hoại tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân; bạo loạn chính trị; bạo loạn có vũ trang);
- Công tác bảo đảm;
- Tổ chức thực hiện và phân công chỉ huy.
b) Trách nhiệm xây dựng kế hoạch:
Trưởng Công an cấp xã chủ trì phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cùng cấp xây dựng kế hoạch phối hợp hoạt động giữa lực lượng công an với lực lượng dân quân cấp xã trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội theo các nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; đồng ký chịu trách nhiệm; trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp phê chuẩn và báo cáo cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), cơ quan quân sự cùng cấp.
2. Kế hoạch phối hợp hoạt động khi cơ sở chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thực hiện lệnh thiết quân luật, lệnh giới nghiêm.
Bộ Công an giao cơ quan chức năng chủ trì phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng hướng dẫn nội dung kế hoạch phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội khi địa phương chuyển vào tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thực hiện lệnh thiết quân luật, lệnh giới nghiêm.
Chương 2.
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮ GÌN AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI TRONG THỜI BÌNH
Điều 4. Nội dung, phương pháp trao đổi thông tin
1. Nội dung:
a) Lực lượng công an cấp xã trao đổi với lực lượng dân quân tự vệ các thông tin về hoạt động của tội phạm hình sự, thiên tai, tệ nạn xã hội liên quan đến việc phối hợp giữa hai lực lượng trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;
b) Lực lượng dân quân tự vệ trao đổi với lực lượng công an cấp xã thông tin về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tình hình nhân dân và những thông tin liên quan nắm được qua hoạt động của dân quân tự vệ.
2. Phương pháp:
a) Lực lượng dân quân tự vệ thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, thường xuyên nắm tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn để báo cáo Thôn đội trưởng, Ấp đội trưởng, Bản đội trưởng, Buôn đội trưởng, Phum đội trưởng, Sóc đội trưởng, Khóm đội trưởng, Tổ đội trưởng (sau đây gọi chung là Thôn đội trưởng) và người chỉ huy trực tiếp;
b) Cán bộ, chiến sĩ công an phường, thị trấn, công an viên, Thôn đội trưởng, người chỉ huy quân đội dân quân tự vệ thường xuyên nắm, trao đổi những thông tin liên quan đến việc phối hợp giữa hai lực lượng trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn để báo cáo chỉ huy trực tiếp của mình (Trưởng Công an cấp xã, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cùng cấp);
c) Trên cơ sở các thông tin nắm được và những nội dung thông báo, chỉ đạo của cấp trên, Trưởng Công an cấp xã trao đổi với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp những thông tin liên quan đến phối hợp hoạt động giữa hai lực lượng trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp và cơ quan công an, cơ quan quân sự cấp huyện (trừ những thông tin, tình huống được pháp luật quy định phải báo cáo ngay, báo cáo vượt cấp và những thông tin bí mật).
Điều 5. Giao ban
1. Giao ban công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã mỗi tuần một lần.
2. Nội dung:
a) Những thông tin liên quan phối hợp giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn do cấp trên và các lực lượng khác thông báo;
b) Nội dung chỉ đạo của cơ quan quân sự, cơ quan công an các cấp và của cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong phối hợp giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;
c) Kết quả phối hợp giữa dân quân tự vệ với công an cấp xã và các lực lượng khác trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gồm: nắm tình hình, trao đổi thông tin, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp về chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; kết quả thực hiện nhiệm vụ phối hợp hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của các lực lượng;
d) Nhiệm vụ, nội dung, biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của dân quân tự vệ với công an cấp xã trong thời gian tiếp theo;
đ) Đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền cùng cấp và cơ quan quân sự, cơ quan công an cấp trên trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của dân quân tự vệ, công an cấp xã.
3. Phương pháp:
a) Trước giao ban
Trưởng Công an cấp xã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thu thập các thông tin được quy định tại khoản 2 Điều này để tổng hợp chuẩn bị nội dung báo cáo; xác định chương trình, thành phần, địa điểm, thời gian, công tác bảo đảm; thống nhất với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và triệu tập các thành phần giao ban; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm cung cấp những thông tin liên quan cho Trưởng Công an cấp xã để chuẩn bị báo cáo; phối hợp với Trưởng Công an cấp xã tiến hành công tác chuẩn bị giao ban.
b) Trong giao ban
Trưởng Công an cấp xã và Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cùng cấp luân phiên chủ trì giao ban; người chủ trì giao ban làm công tác tổ chức, trình bày báo cáo; nghe báo cáo, duy trì thảo luận, kết luận và giải đáp những vướng mắc, kiến nghị của các lực lượng thuộc quyền.
c) Sau giao ban
Trưởng Công an cấp xã, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoàn chỉnh nội dung giao ban, thông qua Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng ký chịu trách nhiệm để báo cáo cấp ủy, chính quyền cấp xã, cơ quan công an, cơ quan quân sự cấp huyện và thông báo cho các tổ chức liên quan.
Điều 6. Kiểm tra
1. Cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, cơ quan công an các cấp chủ trì phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự cùng cấp tiến hành kiểm tra công tác phối hợp giữa lực lượng công an cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội theo định kỳ hoặc đột xuất.
2. Đối tượng kiểm tra:
a) Cơ quan công an, cơ quan quân sự cấp tỉnh, cấp huyện có liên quan;
b) Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; người đứng đầu và Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở có trụ sở trên địa bàn cấp xã;
c) Lực lượng công an, lực lượng dân quân cấp xã; lực lượng tự vệ thuộc các cơ quan, tổ chức có trụ sở trên địa bàn cấp xã.
3. Nội dung kiểm tra:
a) Việc quán triệt các chủ trương, chính sách của cấp trên, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phối hợp giữa lực lượng công an cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
b) Việc chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp giữa lực lượng công an cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
c) Việc tham mưu và tổ chức thực hiện của Công an cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở trong việc phối hợp giữa lực lượng công an cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
d) Kết quả phối hợp hoạt động giữa lực lượng công an cấp xã với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác thực hiện các nội dung: trao đổi thông tin; vận động nhân dân thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng cơ sở an toàn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tuần tra, canh tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; huấn luyện, diễn tập về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; đấu tranh phòng chống tội phạm; giải quyết các tình huống (tranh chấp, khiếu kiện có hành vi vi phạm pháp luật; các hoạt động phá hoại tài sản của Nhà nước, tập thể và nhân dân; bạo loạn chính trị; bạo loạn có vũ trang);
4. Kế hoạch kiểm tra:
a) Kế hoạch kiểm tra liên ngành của cơ quan Bộ Công an, cơ quan Bộ Quốc phòng do cơ quan chức năng của hai Bộ thống nhất soạn thảo và đồng ký chịu trách nhiệm;
b) Kế hoạch kiểm tra liên ngành của cơ quan công an, cơ quan quân sự các cấp do cơ quan chức năng của hai ngành đề xuất, trình lãnh đạo công an, chỉ huy cơ quan quân sự cùng cấp ký chịu trách nhiệm.
5. Tổ chức đoàn kiểm tra:
a) Đoàn kiểm tra liên ngành của cơ quan Bộ Công an, cơ quan Bộ Quốc phòng gồm: chỉ huy, cán bộ cơ quan chức năng, các cơ quan liên quan của hai Bộ và đại diện Bộ Tư lệnh các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (kiểm tra các đơn vị, địa phương trên địa bàn thuộc Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội), Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (kiểm tra các đơn vị, địa phương có đơn vị Bộ đội Biên phòng hoạt động trên địa bàn), các quân chủng, binh chủng liên quan và đại diện các Tổng cục có liên quan thuộc Bộ Công an trên địa bàn;
b) Đoàn kiểm tra liên ngành của cơ quan công an, cơ quan quân sự các cấp gồm: Chỉ huy trưởng hoặc Phó chỉ huy trưởng, Giám đốc hoặc Phó giám đốc, Trưởng công an hoặc Phó trưởng công an, cán bộ thuộc cơ quan công an, cơ quan quân sự các cấp, đại diện Bộ đội Biên phòng, đại diện các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an trên địa bàn và đại diện các Ban, ngành, đoàn thể cùng cấp có liên quan.
Điều 7. Sơ kết
1. Nội dung sơ kết:
a) Tình hình phối hợp giữa lực lượng công an cấp xã, lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
b) Đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân trong công tác phối hợp hoạt động giữa các lực lượng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
c) Xác định phương hướng, nội dung, biện pháp tổ chức thực hiện công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng công an cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tiếp theo;
d) Đề xuất, kiến nghị với cấp trên các chủ trương, biện pháp, chính sách trong việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
2. Phương pháp sơ kết:
a) Tổ chức hội nghị sơ kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội hoặc đánh giá trong báo cáo sơ kết công tác quốc phòng, quân sự, an ninh ở cơ sở;
b) Trưởng Công an cấp xã phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chuẩn bị nội dung và giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chủ trì tổ chức sơ kết.
Điều 8. Tổng kết
1. Nội dung tổng kết:
a) Thực hiện nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;
b) Khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân có thành tích trong phối hợp hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
2. Phương pháp tổng kết:
a) Tổ chức hội nghị tổng kết công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an cấp xã trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội;
b) Trưởng Công an cấp xã xây dựng kế hoạch tổng kết, chuẩn bị nội dung báo cáo; thống nhất với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, Chỉ huy tự vệ có trụ sở trên địa bàn xã báo cáo cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp; Ban Chỉ huy quân sự cấp xã có trách nhiệm cung cấp những thông tin liên quan để chuẩn bị báo cáo và phối hợp tiến hành công tác chuẩn bị theo kế hoạch;
c) Sau hội nghị tổng kết, Trưởng Công an cấp xã phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoàn chỉnh báo cáo, thông qua Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng ký chịu trách nhiệm trước khi báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp và cơ quan công an, cơ quan quân sự cấp huyện, đồng thời thông báo cho các tổ chức liên quan.
Chương 3.
PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG GIỮ GÌN AN NINH CHÍNH TRỊ, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI KHI CƠ SỞ CHUYỂN VÀO TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ QUỐC PHÒNG, THỰC HIỆN LỆNH THIẾT QUÂN LUẬT, GIỚI NGHIÊM
MỤC I. PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG KHI CƠ SỞ CHUYỂN VÀO TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP VỀ QUỐC PHÒNG
Điều 9. Trách nhiệm của lực lượng dân quân tự vệ
1. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở:
a) Nắm, tổng hợp, đánh giá tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn và báo cáo cơ quan quân sự cấp trên; phối hợp với Trưởng Công an cấp xã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở cơ sở cùng cấp các chủ trương, biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;
b) Tổ chức lực lượng thuộc quyền phối hợp với các lực lượng áp dụng các biện pháp đặc biệt theo quy định tại Nghị định số 74/2002/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2002 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp khi có tình hình đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
2. Lực lượng dân quân tự vệ:
a) Triển khai lực lượng bảo vệ các mục tiêu được phân công;
b) Phối hợp với lực lượng công an cấp xã và các lực lượng khác trên địa bàn truy quét, tiêu diệt các tổ chức phản động có vũ trang;
c) Tham gia các đội công tác đặc biệt do quân đội chủ trì để tuyên truyền giáo dục, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; phát hiện ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi vi phạm các quy định về tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; tiêu diệt các lực lượng phản động có vũ trang.
Điều 10. Trách nhiệm của lực lượng công an cấp xã
1. Trưởng Công an cấp xã:
a) Nắm, tổng hợp, đánh giá tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn và báo cáo cơ quan công an cấp trên; chủ trì, phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở có trụ sở trên địa bàn, người đứng đầu các Ban, ngành đoàn thể cùng cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cấp xã các chủ trương, biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; rà soát; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;
b) Tổ chức lực lượng thuộc quyền thực hiện các nhiệm vụ theo khoản 2 Điều 9 của Thông tư này.
2. Cán bộ, chiến sĩ công an phường, thị trấn, công an viên:
a) Nắm chắc diễn biến tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa bàn đảm nhiệm, tổng hợp, báo cáo với Trưởng Công an cấp xã; quản lý chắc các đối tượng chính trị, tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội;
b) Sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ theo khoản 2 Điều 9 của Thông tư này khi được cấp có thẩm quyền điều động.
MỤC II. PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG KHI CÓ LỆNH THIẾT QUÂN LUẬT
Điều 11. Trách nhiệm của lực lượng dân quân tự vệ
1. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở:
a) Nắm, tổng hợp, đánh giá tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn và báo cáo cơ quan quân sự cấp trên; phối hợp với Trưởng Công an cấp xã rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;
b) Chủ trì phối hợp cùng Trưởng Công an cấp xã, người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho người chỉ huy đơn vị quân đội được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thi hành Lệnh thiết quân luật để tổ chức lại bộ máy chính quyền cấp xã; đề xuất danh sách cán bộ dân quân thuộc quyền trực tiếp quản lý cấp thôn;
c) Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan tổ chức cùng cấp các chủ trương, biện pháp giải quyết các vi phạm quy định của pháp luật về thiết quân luật; trực tiếp chỉ huy lực lượng thuộc quyền thực hiện các biện pháp theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 32/2009/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quốc phòng về tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật, giới nghiêm (sau đây gọi tắt là Nghị định số 32/2009/NĐ-CP) và thực hiện những việc cần làm ngay sau khi bãi bỏ Lệnh thiết quân luật theo Điều 17 của Nghị định số 32/2009/NĐ-CP.
2. Lực lượng dân quân tự vệ:
a) Cán bộ dân quân được chỉ định trực tiếp quản lý, điều hành ở cấp thôn thực hiện chức năng, quyền hạn theo sự điều hành của người chỉ huy đơn vị quân đội được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thi hành Lệnh thiết quân luật;
b) Tăng cường bảo vệ các mục tiêu đảm nhiệm, tạo điều kiện cho lực lượng quân đội và công an do cấp có thẩm quyền điều động đến triển khai lực lượng thực hiện Lệnh thiết quân luật;
c) Phối hợp với các lực lượng trên địa bàn thực hiện các biện pháp theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 32/2009/NĐ-CP.
Điều 12. Trách nhiệm của lực lượng công an cấp xã
1. Trưởng Công an cấp xã:
a) Nắm, tổng hợp, đánh giá tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn và báo cáo cơ quan công an cấp trên; chủ trì phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phối hợp hoạt động giữa lực lượng công an cấp xã và lực lượng dân quân tự vệ trong bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn;
b) Phối hợp với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, người đứng đầu các Ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho người chỉ huy đơn vị quân đội được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thi hành Luật thiết quân luật để tổ chức lại bộ máy chính quyền cấp xã;
c) Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp các chủ trương, biện pháp giải quyết các vi phạm quy định của pháp luật về thiết quân luật; tổ chức lực lượng thuộc quyền phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các lực lượng khác thực hiện các biện pháp theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 32/2009/NĐ-CP và thực hiện những việc cần làm ngay sau khi bãi bỏ Lệnh thiết quân luật theo Điều 17 của Nghị định số 32/2009/NĐ-CP.
2. Cán bộ, chiến sĩ công an phường, thị trấn, công an viên:
a) Nắm, báo cáo tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa bàn đảm nhiệm với Trưởng Công an cấp xã; chủ trì phối hợp các lực lượng thực hiện các biện pháp duy trì an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn;
b) Tăng cường bảo vệ các mục tiêu đảm nhiệm, tạo điều kiện cho lực lượng dân quân tự vệ, quân đội và công an do cấp có thẩm quyền điều động đến triển khai lực lượng thực hiện Lệnh thiết quân luật;
c) Phối hợp với các lực lượng thực hiện các biện pháp theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 32/2009/NĐ-CP.
MỤC III. PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG KHI CÓ LỆNH GIỚI NGHIÊM
Điều 13. Trách nhiệm của lực lượng dân quân tự vệ
1. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở.
Phối hợp với Trưởng Công an cấp xã nắm, tổng hợp, thống nhất đánh giá tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn và báo cáo cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan tổ chức cùng cấp; đồng thời báo cáo cơ quan quân sự cấp trên; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan tổ chức cùng cấp các chủ trương, biện pháp giải quyết.
2. Lực lượng dân quân tự vệ:
a) Tăng cường lực lượng bảo vệ các mục tiêu đảm nhiệm, tạo điều kiện cho các đơn vị quân đội, công an do cấp có thẩm quyền điều động đến thực hiện Lệnh giới nghiêm;
b) Phối hợp với các đơn vị quân đội, công an tại các trạm canh gác;
c) Tham gia bắt giữ những người có hành vi vi phạm Lệnh giới nghiêm, giao cho cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm của lực lượng công an cấp xã
1. Trưởng Công an cấp xã
Chủ trì nắm, tổng hợp tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, thống nhất với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở trên địa bàn và báo cáo cấp ủy, chính quyền, đồng thời báo cáo cơ quan công an cấp trên; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các chủ trương, biện pháp giải quyết.
2. Cán bộ, chiến sĩ công an phường, thị trấn, công an viên:
a) Bảo vệ các mục tiêu đảm nhiệm, tạo điều kiện cho các đơn vị quân đội, công an do cấp có thẩm quyền điều động đến thực hiện các biện pháp theo Điều 19 của Nghị định số 32/2009/NĐ-CP.
b) Bảo đảm an ninh, an toàn để các đơn vị quân đội, công an thực hiện nhiệm vụ tại các trạm canh gác;
c) Tham gia bắt giữ những người có hành vi vi phạm Lệnh giới nghiêm, giao cho cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 9 năm 2010.
Các quy định trước đây của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
Chỉ huy các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; người đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương; Ủy ban nhân dân các cấp; Ban Chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Công an cấp xã chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để xem xét, giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG |
Nơi nhận: |
|