Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BYT-BNV ngày 12/04/2005 giữa Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân quản lý nhà nước về y tế ở địa phương (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 11/2005/TTLT-BYT-BNV
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Y tế
- Ngày ban hành: 12-04-2005
- Ngày có hiệu lực: 16-05-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 29-05-2008
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1109 ngày (3 năm 0 tháng 14 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 29-05-2008
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ NỘI VỤ-BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội , ngày 12 tháng 4 năm 2005 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ Y TẾ - BỘ NỘI VỤ SỐ 11/2005/TTLT-BYT-BNV NGÀY 12 THÁNG 4 NĂM 2005 HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN GIÚP UỶ BAN NHÂN DÂN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ Y TẾ Ở ĐỊA PHƯƠNG
Căn cứ Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày
Căn cứ Nghị định số 171/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 172/2004/NĐ-CP ngày 29/9/2004 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Liên tịch Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước về y tế ở địa phương như sau:
I. SỞ Y TẾ
1. Vị trí và chức năng
1.1. Sở Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) có chức năng tham mưu, giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, gồm: y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; về các dịch vụ công thuộc ngành Y tế; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo sự uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật.
1.2. Sở Y tế chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
2.1. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phân cấp của Bộ Y tế.
2.2. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển ngành của Bộ Y tế.
2.3. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh việc phân công, phân cấp hoặc uỷ quyền quản lý công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đối với Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) và các đơn vị sự nghiệp y tế theo quy định của pháp luật.
2.4. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh, mạng lưới y tế dự phòng để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển ngành y tế.
2.5. Tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án y tế đã được phê duyệt; công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
2.6. Về y tế dự phòng:
2.6.1. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy chế, giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để thực hiện công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh tại địa phương; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2.6.2. Quyết định những biện pháp để điều tra, phát hiện và xử lý dịch, thực hiện báo cáo dịch theo quy định. Trường hợp phải huy động các nguồn lực để dập tắt dịch vượt quá thẩm quyền phải trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, tai nạn thương tích và thiên tai thảm hoạ ảnh hưởng đến sức khoẻ nhân dân xảy ra trên địa bàn tỉnh.
2.6.3. Chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động về sức khoẻ môi trường, sức khoẻ trường học, sức khoẻ lao động, vệ sinh nguồn nước ăn uống, quản lý bệnh nghề nghiệp và dinh dưỡng cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
2.6.4. Làm thường trực về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS của Ban chỉ đạophòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tỉnh.
2.7. Về khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng:
2.7.1. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, giám định trên địa bàn tỉnh để Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo thẩm quyền.
2.7.2. Quy định các điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật về khám, chữa bệnh, chăm sóc, điều dưỡng, phục hồi chức năng, giám định, chỉnh hình, thẩm mỹ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và thực hiện dịch vụ kế hoạch hoá gia đình trên cơ sở quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế theo phân cấp và theo phân tuyến kỹ thuật.
2.7.3. Cấp, đình chỉ và thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh;chứng nhận đủ điều kiện hành nghề cho các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
2.8. Về y dược học cổ truyền:
2.8.1. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chương trình, kế hoạch phát triển y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
2.8.2. Quyết định theo thẩm quyền biện pháp kế thừa, phát huy, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong phòng bệnh, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc y dược học cổ truyền tại địa phương.
2.8.3. Cấp, đình chỉ và thu hồi chứng chỉ hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân (hành nghề khám, chữa bệnh bằng y dược học cổ truyền và hành nghề thuốc y học cổ truyền); chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
2.8.4. Chịu trách nhiệm, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình chuyên môn về y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
2.9. Về thuốc và mỹ phẩm:
2.9.1. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình chuyên môn về thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế và mỹ phẩm lưu hành trên địa bàn tỉnh.
2.9.2. Cấp, đình chỉ, thu hồi chứng chỉ hành nghề; chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược, vắc xin, sinh phẩm y tế tư nhân; giấy phép lưu hành, giới thiệu thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
2.10. Về an toàn vệ sinh thực phẩm:
2.10.1. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chương trình hành động, quyết định các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện.
2.10.2. Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
2.10.3. Xác nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm; cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở, doanh nghiệp có cơ sở sản xuất thực phẩm đóng trên địa bàn theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
2.11. Về trang thiết bị và công trình y tế:
2.11.1. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và công trình y tế thuộc nguồn ngân sách nhà nước theo tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật của Bộ Y tế.
2.11.2. Hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình, quy chế chuyên môn về trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật.
2.12. Về đào tạo cán bộ y tế:
2.12.1. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực y tế và đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ đào tạo và sử dụng nhân lực y tế của địa phương.
2.12.2. Quản lý các trường đào tạo cán bộ y tế theo sự phân công của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chương trình đào tạo cán bộ y tế theo quy định của pháp luật.
2.13. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực y tế phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân tại địa phương để Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.
2.14. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể, xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế trên địa bàn tỉnh theo phân cấp và theo quy định của pháp luật.
2.15. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm tra các Bệnh viện trong việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và biên chế theo quy định của pháp luật.
2.16. Chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các quy định, quy trình về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc lĩnh vực quản lý của Sở.
2.17. Giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước đối với các Hội và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ở địa phương theo quy định của pháp luật.
2.18. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ tư liệu về các lĩnh vực quản lý của Sở.
2.19. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân theo quy định của pháp luật và sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
2.20. Trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, xã hội hoá hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2.21. Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng Y tế huyện để trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Y tế.
2.22. Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật.
2.23. Tổng hợp, thống kê, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Y tế.
2.24. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở theo quy định của pháp luật.
2.25. Quản lý tài chính, tài sản được giao và thực hiện ngân sách được phân bổ theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và theo quy định của pháp luật.
2.26. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân cấp tỉnh giao.
3. Tổ chức và biên chế
3.1. Lãnh đạo Sở:
3.1.1. Sở Y tế có Giám đốc và có từ 2 đến 3 Phó Giám đốc; đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không quá 4 Phó Giám đốc.
3.1.2. Giám đốc Sở chịu trách nhiệmtrước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Sở; báo cáo công tác trước Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Y tế và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khi được yêu cầu.
3.1.3. Các Phó Giám đốc chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật vềlĩnh vực công tác được phân công.
3.1.4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định và theo quy định của pháp luật về công tác cán bộ, công chức.
3.1.5. Việc khen thưởng, kỷ luật Giám đốc và Phó Giám đốc Sở thực hiện theo quy định của pháp luật.
3.2. Tổ chức của Sở, gồm:
3.2.1. Văn phòng.
3.2.2. Thanh tra.
3.2.3. Các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ:
Việc thành lập các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ dựa trên nguyên tắc bảo đảm bao quát đầy đủ các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở; chức năng, nhiệm vụ của từng Phòng phải rõ ràng không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Phòng và tổ chức khác thuộc Sở; phù hợp với đặc điểm và khối lượng công việc thực tế ở địa phương, bảo đảm đơn giản về thủ tục hành chính và thuận lợi trong việc giải quyết các đề nghị của tổ chức và công dân.
Số phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở không quá 8 phòng đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; không quá 6 phòng đối với các tỉnh, thành phố còn lại. Số lượng, tên gọi các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở do Giám đốc Sở Y tế phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Giám đốc Sở Y tế quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng, các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở và quy định trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thuộc Sở theo quy định của pháp luật.
3.2.4. Các đơn vị sự nghiệp:
- Về khám, chữa bệnh, gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh; các Bệnh viện chuyên khoa; các Bệnh viện đa khoa khu vực và các Bệnh viện đa khoa huyện (kể cả các Phòng khám đa khoa khu vực) thành lập theo quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh.
- Về y tế dự phòng, bao gồm các Trung tâm: Y tế dự phòng; Phòng, chống HIV/AIDS; Chăm sóc sức khoẻ sinh sản; Nội tiết; Phòng, chống bệnh xã hội (gồm các bệnh lao, phong-da liễu, tâm thần, mắt) ở những tỉnh không có các Bệnh viện chuyên khoa tương ứng; Phòng, chống Sốt rét ở những tỉnh được phân loại có sốt rét trọng điểm; Kiểm dịch y tế quốc tế ở những tỉnh có cửa khẩu quốc tế; Sức khoẻ lao động và Môi trường ở những tỉnh có nhiều khu công nghiệp; Trung tâm Y tế dự phòng huyện thực hiện công tác chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành.
- Về truyền thông: Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khoẻ.
- Về kiểm nghiệm, kiểm định: Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm.
- Về giám định, gồm các Trung tâm: Giám định pháp y, Giám định pháp y tâm thần, Giám định y khoa được tổ chức theo quy định của pháp luật.
- Về sự nghiệp đào tạo: Trường Trung học hoặc Cao đẳng y tế được tổ chức theo quy định của pháp luật và theo phân công của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của địa phương, Giám đốc Sở Y tế phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập các đơn vị sự nghiệp y tế trực thuộc Sở theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Giám đốc Sở Y tế quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ của các đơn vị sự nghiệp y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
3.3. Biên chế
3.3.1. Biên chế của Văn phòng, Thanh tra, các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ là biên chế hành chính do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.
3.3.2. Biên chế của các đơn vị sự nghiệp y tế là biên chế sự nghiệp; việc quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp y tế thực hiện theo quy định của pháp luật.
3.3.3. Giám đốc Sở Y tế bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức củaSở phải phù hợp với chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
II. PHÒNG Y TẾ
1. Chức năng
Phòng Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện, gồm: y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, y dược học cổ truyền, thuốc phòng chữa bệnh cho người, mỹ phẩm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và uỷ quyền của Sở Y tế.
Phòng Y tế chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn
Phòng Y tế thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn huyện theo hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; tham mưu cho Chủ tịch Uỷ ban nhân cấp huyện chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường; quản lý các trạm y tế xã, phường, thị trấn và thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự uỷ quyền của Sở Y tế.
3. Biên chế
Căn cứ vào đặc điểm, tình hình phát triển sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân ở địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định biên chế để đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước về chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong tổng biên chế hành chính được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao cho huyện.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và bãi bỏ các Thông tư liên tịch: số 02/1998/TTLT-BYT-BTCCBCP ngày 27/6/1998 của liên Bộ Y tế - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 01/1998/NĐ-CP ngày 03/01/1998 của Chính phủ quy định về hệ thống tổ chức y tế địa phương; số 12/1999/TTLT-BYT-BTCCBCP ngày 22/5/1999 của liên Bộ Y tế - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn bổ sung, sửa đổi một số điểm trong Thông tư liên tịch số 02/1998/TTLT-BYT-BTCCBCP; số 20/2001/TTLT-BTCCBCP-Bộ Y tế ngày 27/4/2001 của liên Bộ Y tế - Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn thực hiện chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn từ Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này. Trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch này, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, các tỉnh cần phản ánh kịp thời về liên tịch Bộ Y tế và Bộ Nội vụ để nghiên cứu giải quyết./.
Đỗ Quang Trung (Đã ký) | Trần Thị Trung Chiến (Đã ký) |