cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên tịch số 56/2001/TTLT-BTC-BTS ngày 09/07/2001 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính các dự án khuyến khích phát triển giống thuỷ sản do ngân sách nhà nước bảo đảm (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 56/2001/TTLT-BTC-BTS
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Thuỷ sản
  • Ngày ban hành: 09-07-2001
  • Ngày có hiệu lực: 24-07-2001
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-04-2012
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 3918 ngày (10 năm 8 tháng 28 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 15-04-2012
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 15-04-2012, Thông tư liên tịch số 56/2001/TTLT-BTC-BTS ngày 09/07/2001 giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính các dự án khuyến khích phát triển giống thuỷ sản do ngân sách nhà nước bảo đảm (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư liên tịch số 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 01/03/2012 giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 56/2001/TTLT-BTC-BTS

Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2001

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ THỦY SẢN SỐ 56/2001/TTLT-BTC-BTS NGÀY 09 THÁNG 07 NĂM 2001 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁC DỰ ÁN KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN GIỐNG THỦY SẢN DO NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC BẢO ĐẢM

Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 19/12/1996 của Chính phủ "Quy định chi tiết việc phân cấp quản lý, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước", Nghị định số 51/1998/NĐ-CP ngày 18/7/1998 của Chính phủ "Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 87/CP".
Căn cứ Quyết định số 103/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển giống thuỷ sản.
Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Thuỷ sản hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với các dự án khuyến khích phát triển giống thuỷ sản do NSNN bảo đảm như sau:

1. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng thông tư này là các dự án khuyến khích phát triển giống thuỷ sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo qui định tại điểm 1 Điều 4 Quyết định số 103/2000/QĐ-TTg ngày 25/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển giống thuỷ sản. Dự án khuyến khích phát triển giống thuỷ sản do cấp nào phê duyệt thì ngân sách cấp đó bảo đảm kinh phí thực hiện.

2. Nội dung chi thực hiện dự án

2.1. Đối với các dự án do Bộ Thuỷ sản phê duyệt và tổ chức thực hiện:

- Chi lưu giữ, bảo vệ nguồn gen thuỷ sản tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu thuỷ sản.

- Chi nhập khẩu giống gốc, giống mới, giống quý có khả năng thuần hoá để sản xuất rộng rãi.

- Chi nhập công nghệ sản xuất giống có năng suất và chất lượng cao của một số loài nuôi chủ yếu có khả năng xuất khẩu mà trong nước chưa có (trong đó có nội dung chi khảo sát ở nước ngoài để lựa chọn công nghệ sản xuất giống thuỷ sản).

- Chi sản xuất, nuôi dưỡng giống gốc, giống mới, giống quý, để sản xuất giống bố mẹ cung cấp cho địa phương (bao gồm: Giống, thức ăn, thuốc phòng dịch...)

- Chi chuyển giao công nghệ sản xuất giống thuỷ sản cho các địa phương.

- Chi sản xuất giống thuỷ sản để thả vào các vùng nước tự nhiên theo quy hoạch, kế hoạch, dự án có liên quan đến nhiều địa phương, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Chi đầu tư xây dựng hoặc nâng cấp một số Trung tâm giống thuỷ sản hiện có thành Trung tâm giống quốc gia vùng, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Chi đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cho cán bộ sản xuất giống cấp tỉnh.

- Chi thông tin tuyên truyền, mua, in và phát hành các tài liệu ấn phẩm để hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất giống thuỷ sản.

- Chi công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình giống.

2.2. Đối với dự án do địa phương phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Chi lưu giữ, bảo vệ nguồn gen thuỷ sản tại các trạm, trại sản xuất giống thuỷ sản.

- Chi chuyển giao công nghệ sản xuất giống thuỷ sản cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có tham gia sản xuất giống thuỷ sản cung cấp cho thị trường.

- Chi sản xuất giống thuỷ sản để thả vào các vùng nước tự nhiên theo quy hoạch, kế hoạch, dự án được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW phê duyệt, sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Thuỷ sản, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

- Chi đào tạo, tập huấn kỹ thuật sản xuất giống cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất giống thuỷ sản.

- Chi thông tin tuyên truyền, mua, in và phát hành các tài liệu ấn phẩm để hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất giống thuỷ sản.

- Chi kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình giống

- Chi hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nuôi dưỡng, sản xuất giống bố mẹ, sản xuất con giống cung cấp cho thị trường (bao gồm: giống, thức ăn, thuốc phòng trừ bệnh). Mức hỗ trợ theo khả năng ngân sách của địa phương, do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Trường hợp địa phương có nhu cầu nhập khẩu giống gốc, giống mới, giống quý có khả năng thuần hoá để sản xuất rộng rãi; Nhập công nghệ sản xuất giống có năng suất và chất lượng cao của một số loài nuôi chủ yếu có khả năng xuất khẩu mà trong nước chưa có, phải lập dự án được UBND tỉnh phê duyệt, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Thuỷ sản.

3. Công tác quản lý tài chính

3.1. Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước"; Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể như sau:

3.1.1. Lập dự toán:

Hàng năm căn cứ vào qui hoạch, kế hoạch, nội dung chi qui định tại Thông tư này, định mức kinh tế kỹ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Bộ Thuỷ sản lập dự toán chi chương trình giống thuỷ sản do Bộ Thuỷ sản trực tiếp tổ chức thực hiện gửi Bộ Tài chính.

Sở Thuỷ sản hoặc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (có quản lý thuỷ sản) lập dự toán chi chương trình giống thuỷ sản do địa phương trực tiếp tổ chức thực hiện gửi Sở Tài chính-Vật giá.

3.1.2. Phân bổ dự toán:

Căn cứ vào dự toán chi chương trình giống thuỷ sản được giao Bộ Thuỷ sản phân bổ chi tiết theo đơn vị, nội dung chi và mục chi của mục lục ngân sách nhà nước gửi Bộ Tài chính.

Sở Thuỷ sản hoặc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phân bổ chi tiết theo đơn vị, nội dung chi và mục chi của mục lục ngân sách nhà nước gửi Sở Tài chính - Vật giá.

3.1.3. Cấp phát kinh phí:

Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao và tiến độ thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tài chính cấp phát bằng hạn mức kinh phí về Bộ Thuỷ sản để phân phối hoặc thanh toán theo hợp đồng cho các đơn vị thực hiện. Sở Tài chính - Vật giá cấp phát bằng hạn mức kinh phí về Sở Thuỷ sản hoặc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, để phân phối hoặc thanh toán theo hợp đồng cho các đơn vị thực hiện.

3.1.4. Báo cáo quyết toán kinh phí.

Cuối quý, cuối năm đơn vị sử dụng kinh phí chương trình giống thuỷ sản phải quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định tại Quyết định số 999/TC/QĐ/CĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp và chi tiết theo từng dự án.

Bộ Thuỷ sản, Sở Thuỷ sản hoặc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có trách nhiệm xét duyệt quyết toán và tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan tài chính có trách nhiệm thẩm định thông báo xét duyệt quyết toán năm cho cơ quan thuỷ sản theo quy định.

3.2. Việc quản lý, cấp phát và thanh toán đối với các khoản chi mang tính chất đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 96/2000/TT-BTC ngày 28/9/2000 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước"

3.3. Việc thu hồi kinh phí

3.3.1. Đối với các các dự án giống được ngân sách Trung ương bảo đảm kinh phí thực hiện để sản xuất giống bố mẹ cung cấp cho các Trung tâm, Trạm, Trại sản xuất giống thuỷ sản; Giống cung cấp được thu hồi theo giá thị trường và nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương.

3.3.2. Đối với các các dự án giống của địa phương được ngân sách địa phương bảo đảm toàn bộ kinh phí để sản xuất giống bố mẹ, sản xuất con giống cho thị trường; Giống cung cấp được thu hồi theo giá thị trường và nộp toàn bộ vào ngân sách địa phương.

3.3.3. Đối với các dự án giống do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư vốn sản xuất giống thuỷ sản được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương, thì không phải hoàn trả kinh phí đã được ngân sách địa phương hỗ trợ.

3.4. Công tác kiểm tra.

Cơ quan Thuỷ sản phối hợp với cơ quan Tài chính cùng cấp tổ chức kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất về tình hình thực hiện và sử dụng kinh phí chương trình giống thuỷ sản, đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả.

Thông tư này áp dụng cho các dự án khuyến khích phát triển giống thuỷ sản thực hiện từ năm 2001. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Liên Bộ để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Nguyễn Thị Kim Ngân

(Đã ký)

Nguyễn Việt Thắng

(Đã ký)