Thông tư liên tịch số 01/1999/TTLT-LĐTBXH-TCCP ngày 06/01/1999 giữa Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Trưởng ban Tổ chức của Chính phủ Về việc tổ chức làm công tác quản lý đào tạo nghề ở trung ương và địa phương
- Số hiệu văn bản: 01/1999/TTLT-LĐTBXH-TCCP
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Cơ quan ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
- Ngày ban hành: 06-01-1999
- Ngày có hiệu lực: 21-01-1999
- Tình trạng hiệu lực: Đang có hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 9438 ngày (25 năm 10 tháng 13 ngày)
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ-BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Hà Nội , ngày 06 tháng 1 năm 1999 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI VÀ BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 01/1999/TTLT-LĐTBXH-TCCP NGÀY 06-01-1999 HƯỚNG DẪN VỀ TỔ CHỨC LÀM CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐÀO TẠO NGHỀ Ở TRUNG ƯƠNG VÀ ĐỊA PHƯƠNG
Thi hành Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 33/1998/NĐ-CP ngày 23/5/1998 của Chính phủ về việc thành lập Tổng cục dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn về tổ chức làm công tác quản lý đào tạo nghể ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là Bộ) và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) như sau:
A. TỔ CHỨC LÀM CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ Ở CÁC BỘ
I- VỀ ĐỐI TƯỢNG PHẠM VI:
Do đặc điểm, tính chất quản lý ngành hay lĩnh vực khác nhau, nên chức năng nhiệm vụ của Bộ quản lý ngành hay lĩnh vực cũng khác nhau, do vậy trong lĩnh vực đào tạo nghề có một số Bộ không có các cơ sở dạy nghề. Vì vậy không nhất thiết Bộ nào cũng có tổ chức chuyên trách làm công tác quản lý đào tạo nghề.
Thông tư liên tịch này quy định tổ chức làm công tác quản lý đào tạo ở các Bộ có chức năng, nhiệm vụ về đào tạo nghề và có các cơ sở dạy nghề.
II- CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐÀO TẠO NGHỀ:
Vụ Tổ chức - Cán bộ thuộc Bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý đào tạo nghề, bao gồm những nhiệm vụ sau:
1/ Xây dựng dự thảo các văn bản (Quyết định, Chỉ thị,...) thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ về đào tạo nghề.
Xây dựng danh mục đào tạo nghề, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật nghề, mục tiêu, chương trình, nội quy, phương pháp đào tạo; cụ thể hoá quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề, tiêu chuẩn giáo viên, tiêu chuẩn trường lớp, quy chế thi tuyển, quy chế cấp các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp cho các loại cơ sở đào tạo thuộc Bộ phù hợp với quy định của Nhà nước và hướng dẫn tổ chức thực hiện.
2/ Xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo nghề bao gồm các cơ sở đào tạo nghề thuộc Tổng Công ty và các cơ sở đào tạo nghề trực thuộc Bộ.
3/ Tổng hợp và xây dựng kế hoạch dài hạn và hàng năm về đào tạo nghề (bao gồm cả chỉ tiêu đào tạo, ngành nghề đào tạo, kinh phí đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên và đầu tư, phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật) cho các cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ. Hướng dẫn tổ chức thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt.
4. Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề thuộc Bộ khi được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan giao.
5/ Theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy chế, nội quy, chương trình đào tạo nghề và việc chấp hành pháp luật, chính sách chế độ về đào tạo nghề đối với các cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ quản lý.
6/ Định kỳ và hàng năm tổng hợp báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề thuộc Bộ quản lý.
7/ Thực hiện một số nhiệm vụ khác có liên quan đến đào tạo nghề do Bộ trưởng giao.
III- TỔ CHỨC-BIÊN CHẾ
Tuỳ theo nhiệm vụ, khối lượng công việc, số lượng cơ sở đào tạo nghề thuộc phạm vi quản lý của mỗi Bộ để xác định tổ chức - biên chế tương ứng theo hướng sau:
Có một bộ phận chuyên trách và có biên chế quản lý công tác đào tạo nghề đặt trong Vụ Tổ chức - Cán bộ (hoặc tổ chức tương đương có chức năng quản lý đào tạo).
B. TỔ CHỨC LÀM CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ Ở CÁC TỈNH:
I- CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHỨC QUẢN LÝ ĐÀO TẠO NGHỀ
Sở Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo nghề, bao gồm những nhiệm vụ chủ yếu sau:
1/ Xây dựng dự thảo các văn bản (quyết định, chỉ thị) thuộc phạm vi trách nhiệm thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh về đào tạo nghề:
Tham gia xây dựng danh mục đào tạo nghề, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật, mục tiêu, chương trình, phương pháp đào tạo; cụ thể hoá quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề thuộc địa phương, tiêu chuẩn trường lớp, quy chế thi tuyển, quy chế cấp các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp cho các loại cơ sở đào tạo thuộc tỉnh phù hợp với quy định của Nhà nước và hướng dẫn tổ chức thực hiện.
2/ Xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo nghề, bao gồm các cơ sở đào tạo nghề thuộc các Sở, Ban, ngành và các cơ sở đào tạo nghề thuộc các doanh nghiệp Nhà nước thuộc phạm vi tỉnh quản lý.
3/ Tổng hợp và xây dựng kế hoạch dài hạn và hàng năm về đào tạo nghề (bao gồm cả chỉ tiêu đào tạo, ngành nghề đào tạo, kinh phí đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung đội ngũ cán bộ, giáo viên và đầu tư, phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật) cho các cơ sở đào tạo nghề thuộc địa phương và hướng dẫn tổ chức thực hiện sau khi kế hoạch được phê duyệt.
4/ Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo nghề của địa phương theo sự phân cấp và uỷ quyền của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
5/ Thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy chế, nội dung chương trình đào tạo nghề và việc chấp hành pháp luật, chính sách chế độ về đào tạo nghề đối với các cơ sở đào tạo nghề thuộc địa bàn tỉnh quản lý.
6/ Định kỳ và hàng năm tổng hợp báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề thuộc tỉnh quản lý.
7/ Thực hiện một số nhiệm vụ khác có liên quan đến đào tạo nghề do Uỷ ban nhân dân tỉnh giao.
II- TỔ CHỨC - BIÊN CHẾ
Tuỳ theo tình hình đặc điểm của tỉnh, khối lượng công việc, số lượng các cơ sở đào tạo nghề thuộc phạm vi quản lý của tỉnh để xác định có Phòng quản lý đào tạo nghề hoặc bộ phận quản lý đào tạo nghề và có số biên chế cần thiết thuộc Sở Lao động -Thương binh và xã hội để giúp Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội thực hiện những nhiệm vụ nêu tại khoản I mục B của Thông tư liên tịch này.
C. TỔ CHỨC LÀM CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ Ở CÁC HUYỆN, QUẬN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ THUỘC TỈNH
Phòng Lao động - Thương binh và xã hội hoặc Phòng tổ chức Lao động - thương binh và xã hội thuộc các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là huyện) có trách nhiệm giúp Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo nghề theo phân cấp cuả Uỷ ban nhân dân tỉnh.
D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1/ Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Nghị định 33/1998/NĐ-CP ngày 23/5/1998 của Chính Phủ và Thông tư Liên tịch này để ban hành những quyết định thích hợp về tổ chức và bố trí biên chế làm công tác quản lý đào tạo nghề thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị bổ sung hoặc sửa đổi thì các Bộ và địa phương phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và xã hội và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ để xem xét giải quyết.
Nguyễn Lương Trào (Đã ký) | Thang Văn Phúc (Đã ký) |