cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên bộ số 34/TT-LB ngày 13/07/1994 Thi hành các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động do tổ chức công đoàn quản lý do Tổng Liên Đoàn lao động Việt nam-Bộ Lao động thương binh xã hội ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 34/TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Ngày ban hành: 13-07-1994
  • Ngày có hiệu lực: 01-07-1994
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 30-09-2015
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 7761 ngày (21 năm 3 tháng 6 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 30-09-2015
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 30-09-2015, Thông tư liên bộ số 34/TT-LB ngày 13/07/1994 Thi hành các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động do tổ chức công đoàn quản lý do Tổng Liên Đoàn lao động Việt nam-Bộ Lao động thương binh xã hội ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 1395/QĐ-LĐTBXH ngày 30/09/2015 Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đến hết ngày 10 tháng 6 năm 2015”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/TT-LB

 Hà Nội , ngày 13 tháng 7 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM - BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI SỐ 34/TT-LB NGÀY 13 THÁNG 7 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH CÁC CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI VỀ ỐM ĐAU, THAI SẢN, TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG, DO TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN QUẢN LÝ

Thi hành Nghị định số 43/CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ quy định tạm thời các chế độ bảo hiểm xã hội, căn cứ Thông tư số 21/TT-LB ngày 18-6-1994 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; Sau khi có ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc thi hành một số điểm về các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với CNVC và người lao động (dưới đây gọi chung là người lao động) hiện đang do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quản lý, như sau:

A. ĐỐI TƯỢNG THI HÀNH

Đối tượng áp dụng thi hành các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là những đối tượng bắt buộc áp dụng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại mục A Thông tư số 21/TT-LB ngày 18 tháng 6 năm 1994 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tài chính.

B. CÁC CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP

I. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP ỐM ĐAU

1. Mức trợ cấp và thời hạn trợ cấp

Người lao động nghỉ việc ốm đau, tai nạn rủi ro hoặc nghỉ chăm sóc con nhỏ bị ốm đều được hưởng trợ cấp bằng 75% mức tiền lương của bản thân đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ trong thời hạn trợ cấp quy định tại Nghị định số 43/CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ và Thông tư số 21/TT-LB ngày 18-6-1993 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính.

Thời gian để tính hưởng thời hạn trợ cấp ốm đau là tổng số năm đóng bảo hiểm xã hội tính đến khi nghỉ ốm, bao gồm thời gian công tác thực tế (không tính quy đổi) của CNVC trước ngày 1-7-1994 và thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 1-7-1994 trở đi.

Các nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại thuộc loại VI trở lên quy định tại bảng phân loại lao động theo Quyết định số 278/LĐ-QĐ ngày 13-11-1976 của Bộ Lao động; các nghề hưởng theo bảng lương độc hại ban hành tại Nghị định số 235/HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành theo Thông tư số 19/LĐ-TBXH ngày 31-12-1990, nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 và 1 theo quy định tại Thông tư số 15/LĐ-TBXH ngày 2-6-1993 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, được tính thời gian nghỉ ốm hưởng trợ cấp ốm đau mức cao nhất là 40 ngày/năm đối với người đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm và 60 ngày/năm đối với người đã đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm trở lên.

Người lao động bị mắc các bệnh cần chữa dài ngày thuộc danh mục bệnh quy định tại Thông tư số 33/TT-LB ngày 2-6-1987 của Liên Bộ Y tế - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sau khi đã hết thời hạn hưởng trợ cấp ốm đau 180 ngày theo quy định mà bệnh chưa khỏi, phải tiếp tục nghỉ việc để điều trị thì được chuyển sang hưởng trợ cấp bằng 70% mức tiền lương tối thiểu của công chức Nhà nước (dưới đây gọi chung là lương tối thiểu) đến khi hết đợt điều trị.

Người lao động bị bệnh bình thường (kể cả người làm việc trong điều kiện bình thường và người làm việc trong các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại) sau khi đã hết thời hạn hưởng trợ cấp ốm đau bằng 75% tiền lương mà bệnh chưa khỏi thì vẫn được nghỉ để tiếp tục điều trị nhưng không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

2. Cách tính thời hạn trợ cấp

Thời hạn được trợ cấp ốm đau bằng 75% tiền lương được xác định căn cứ vào thời gian nghỉ ốm liên tục hoặc không liên tục của mỗi người (Thời gian điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ sinh son, nghỉ sảy thai và nạo thai và nghỉ chăm sóc con nhỏ ốm đau không cộng với thời gian nghỉ ốm để xác định thời gian hưởng trợ cấp ốm đau).

Người có thời gian nghỉ ốm điều trị bệnh liên tục (tức là thời gian nghỉ điều trị bệnh trong một đợt ốm không đứt quãng), thời hạn hưởng trợ cấp tính từ ngày nghỉ việc để điều trị.

Ví dụ: Công nhân A có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 5 năm, làm việc ở điều kiện bình thường, nghỉ ốm từ ngày 1-7-1994 đến 15-8-1994. Công nhân A được hưởng trợ cấp ốm bằng 75% tiền lương trong thời hạn 30 ngày tính từ ngày 1-7-1994.

- Người có thời gian nghỉ ốm điều trị bệnh không liên tục (tức là thời gian nghỉ điều trị bệnh đứt quãng, có nhiều đợt ốm trong một năm) thời hạn hưởng trợ cấp ốm tính cộng dồn thời gian nghỉ của các đợt ốm trong 1 năm. Ví dụ: Giáo viên B có thời gian đóng bảo hiểm xã hội là 18 năm.

+ Tháng 7-1994 nghỉ ốm đợt 1 là 16 ngày.

+ Tháng 9-1994 nghỉ ốm đợt 2 là 20 ngày.

+ Tháng 12-1994 nghỉ ốm đợt 3 là 19 ngày.

Tổng cộng 1 năm giáo viên B đã nghỉ ốm 55 ngày.

Giáo viên B được hưởng trợ cấp bằng 75% tiền lương trong thời hạn 45 ngày (đợt ốm thứ nhất, thứ 2 là 36 ngày, đợt ốm thứ 3 là 9 ngày).

3. Việc giải quyết trợ cấp ốm đau đối với CNVC hiện đang nghỉ ốm. Những người đang nghỉ ốm tính đến ngày 1-7-1994 vẫn còn thời hạn nghỉ ốm hưởng trợ cấp theo tỷ lệ % tiền lương theo quy định trước đây, thì từ ngày 1-7-1994 được chuyển sang hưởng trợ cấp và thời hạn hưởng trợ cấp đối với mỗi loại theo quy định tại Nghị định 43/CP và Thông tư 21/TT-LB.

Những người thuộc danh mục bệnh cần chữa dài ngày tính đến 30-6-1994 đã hết hạn hưởng trợ cấp ốm đau theo % tiền lương theo quy định trước đây, nhưng vẫn đang nghỉ việc điều trị bệnh tại bệnh viện thì từ 1-7-1994 chuyển sang hưởng trợ cấp bằng 75% mức lương tối thiểu đến hết đợt điều trị.

- Những người thuộc diện nghỉ chăm sóc con nhỏ ốm đau tính đến ngày 1-7-1994 vẫn đang trong thời hạn nghỉ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội thì vẫn được nghỉ hưởng trợ cấp theo thời hạn cũ. Riêng mức trợ cấp từ 1-7-1994 tính bằng 75% mức tiền lương của bản thân đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ.

II. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP THAI SẢN

1. Đối với nghỉ đẻ hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội

- Lao động nữ đẻ con thứ nhất.

- Lao động nữ chưa có con, đẻ lần thứ nhất sinh đôi trở lên.

- Lao động nữ đẻ con thứ hai.

- Lao động nữ đã có 1 con, đẻ lần thứ hai sinh đôi trở lên

- Lao động nữ đã có hai con bị dị tật, lao động nữ thuộc dân tộc ít người ở các tính miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam, được sinh con thứ 3 hoặc lao động nữ thuộc diện được sinh một con chung theo Quyết định 162/HĐBT ngày 18-8-1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

2. Thời gian nghỉ đẻ, nghỉ sảy thai, nghỉ nuôi con nuôi

- Thời gian nghỉ đẻ 120 ngày áp dụng đối với lao động nữ khối hành chính sự nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ làm việc trong điều kiện bình thường không có hoặc ít yếu tốc độc hại, nặng nhọc thuộc loại I, II, III quy định trong bảng phân loại lao động.

- Thời gian nghỉ đẻ 150 ngày áp dụng đối với lao động nữ làm các nghề, công việc nặng nhọc độc hại thuộc loại IV, V quy định tại bảng phân loại lao động các nghề hưởng theo bảng lương độc hại ban hành Nghị định 235/HĐBT; làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 và 1.

- Thời gian nghỉ việc do sảy thai mức 20 ngày áp dụng đối với lao động nữ có thai dưới 3 tháng; mức 30 ngày áp dụng với lao động nữ có thai trên 3 tháng.

- Thời gian nghỉ nuôi con đến khi con đủ 120 ngày tuổi áp dụng đối với người lao động nhận 1 trẻ sơ sinh làm con nuôi hợp pháp.

3. Trợ cấp trong thời gian nghỉ đẻ, sảy thai, nghỉ nuôi con nuôi

Trong thời gian nghỉ đẻ, nghỉ sảy thai, nghỉ nuôi con nuôi sơ sinh, lao động nữ được trợ cấp bằng 100% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trước nghỉ. Ngoài ra, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần bằng 2 tháng lương tối thiếu để có thêm điều kiện bồi dưỡng sức khoẻ và mua sắm vật dùng cho con sơ sinh (khoản trợ cấp này không áp dụng đối với người nuôi con nuôi).

4. Trợ cấp nuôi con nhỏ

Lao động nữ thuộc đối tượng nghỉ đẻ hưởng trợ cấp thai sản nếu thuộc diện quy định dưới đây, được hưởng thêm trợ cấp 1 lần bằng hai tháng lương tối thiểu để mua sữa nuôi con:

- Sau nghỉ đẻ, không được cho con bú sữa mẹ do bệnh tật (thuộc các loại bệnh quy định tại Thông tư số 02/BYT ngày 21-1-1984 của Bộ Y tế).

- Sinh lần thứ nhất sinh đôi trở lên; hoặc đã có một con, sinh lần thứ hai sinh đôi trở lên.

- Người mẹ chết trong thời gian con nhỏ dưới 10 tháng tuổi.

- Nuôi 1 con nuôi sơ sinh dưới 10 tháng tuổi.

5. Cách tính số con để thi hành chế độ thai sản đối với một số trường hợp đặc biệt.

- Lao động nữ chưa có con, lấy chồng đã có con riêng hoặc lao động nữ đã có con riêng, lấy chồng được hưởng chế độ thai sản khi sinh một con chung theo quy định tại Quyết định 162/HĐBT.

- Lao động nữ chưa có điều kiện lấy chồng mà sinh một con riêng thì được hưởng chế độ thai sản tại Nghị định số 43/CP. Nếu sinh thêm con riêng thì không được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.

6. Việc giải quyết chế độ nghỉ đẻ đối với nữ CNVC sinh con trước ngày 1-7-1994.

- Lao động nữ sinh con trước ngày 1-7-1994 thuộc diện được nghỉ thời gian 180 ngày, 90 ngày và 75 ngày hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội bằng 100% tiền lương theo quy định tại Quyết định số 121/HĐBT ngày 19-4-1985 đến ngày 1-7-1994 vẫn đang trong thời gian nghỉ thì tiếp tục nghỉ hưởng chế độ nghỉ đẻ cũ bao gồm thời gian nghỉ, trợ cấp bồi dưỡng, trợ cấp nuôi con nhỏ theo mức quy định tại Thông tư số 04/TT-TCĐ ngày 10-5-1985 và Thông tư số 05/TT-TLĐ ngày 9-9-1991 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

III. CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP TAI NẠN LAO ĐỘNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP

1. Điều kiện được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - Điều kiện được hưởng trợ cấp chế độ tai nạn lao động thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/TT-LB.

- Điều kiện được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp là người lao động mắc bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục 16 bệnh nghề nghiệp quy định tại Thông tư số 08/LB-TT ngày 19-5-1976 và Thông tư số 29/TT-LB ngày 25-12-1991 của Liên Bộ Y tế - Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Trợ cấp trong thời gian điều trị

- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trong thời gian nghỉ việc để điều trị, điều dưỡng được hưởng 100% mức tiền lương trước khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Khoản trợ cấp này và khoản chi phí điều trị do người sử dụng lao động chịu trách nhiệm chi trả từ ngày 1-7-1994 trở đi quỹ bảo hiểm xã hội không chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội hay tiền lương trong thời gian người lao động nghỉ điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

3. Trợ cấp thương tật

a. Đối tượng hưởng trợ cấp thương tật một lần.

- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được Hội đồng giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động từ 5% dến 60% do thương tật, được hưởng trợ cấp thương tật một lần tính theo mức lương trung bình của công chức Nhà nước (không cấp thẻ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).

b. Đối tượng hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng

- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được Hội đồng giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 100% do thương tật được xếp hạng thương tật, cấp thẻ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng theo 4 hạng mới tính trên mức lương trung bình của công chức Nhà nước. - Mức lương trung bình hiện nay tính bằng hai lần mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993.

c. Mức trợ cấp thương tật một lần, trợ cấp thương tật hàng tháng và phụ cấp phục vụ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 21/TT-LB.

4. Trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt

- Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được Hội đồng giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của chân, tay, tai, mắt, răng, cột sống... đều được trang cấp 1 lần các phương tiện trợ giúp sinh hoạt phù hợp với các tổn thương chức năng.

Trong trường hợp không có điều kiện để trang cấp phương tiện bằng hiện vật thì được trợ cấp một lần khoản tiền đủ mua sắm các phương tiện trợ giúp đó. Quy định bảo hiểm xã hội do tổ chức Công đoàn quản lý chịu trách nhiệm chi trả trợ cấp thương tật và trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt đối với người lao động đang làm việc. Quỹ bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chi trả trợ cấp thương tật hàng tháng và trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt đối với người đã thôi việc hoặc nghỉ hưu trí.

5. Thủ tục hồ sơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, việc chuyển giao hồ sơ và phương tiện giải quyết trợ cấp thương tật thuộc trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bộ Thương binh và Xã hội vẫn thực hiện theo quy định tại Thông tư số 77/TT-TLĐ ngày 10-12-1986 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thông tư số 31/TT-LB ngày 10-12-1987 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

6. Việc giải quyết trợ cấp thương tật đối với CNVC bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước ngày 1-7-1994.

a. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước ngày 1-7-1994 mà sau đó mới được Hội đồng GĐYK xác định mức suy giảm khả năng lao động do thương tật thì việc giải quyết chế độ trợ cấp thương tật thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/CP Thông tư số 21/TT-LB.

Ví dụ 1: Công nhân A bị tai nạn lao động tháng 4-1994. Tháng 5 xuất viện và tháng 7-1994 được Hội đồng GĐYK xác định mức suy giảm khả năng lao động là 41%.

Công nhân A được giải quyết hưởng trợ cấp thương tật 1 lần bằng 18 tháng tiền lương tối thiểu của công chức Nhà nước.

(18 tháng x 120.000 đ = 2.160.000 đ)

Ví dụ 2: Công nhân B bị tai nạn lao động tháng 3 năm 1994, tháng 6 năm 1994 xuất viện và tháng 7-1994 được Hội đồng GĐTK xác định mức suy giảm khả năng lao động là 71%.

Công nhân B được xếp thương tật hạng 3 và từ tháng 7-1994 được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng bằng 1,2 tháng tiền lương tối thiểu của công chức Nhà nước.

(120.000 đ x 1,2 = 144.000 đ)

b. Người lao động (kể cả người tại chức và những người đã thôi việc hoặc nghỉ hưu trí) bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trước ngày 1-7-1994 đã được Hội đồng GĐYK xác định mức suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 100% do thương tật đã được cấp hoặc chưa được cấp sổ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định trước đây, thì từ 1-7-1994 trở đi vẫn được giữ nguyên hạng thương tật và trợ cấp thương tật hàng tháng.

Mức trợ cấp thương tật hàng tháng nay điều chỉnh như sau:

Tỷ lệ thương tật

Hạng thương tật

Mức hưởng

Từ 81%-100%

1

192.000 đ

Từ 61%-80%

2

132.000 đ

Từ 41%-60%

3

84.000 đ

Từ 21%-40%

4

36.000 đ

IV. CHẾ ĐỘ NGHỈ NGƠI DƯỠNG SỨC

Sau khi cân đối ngân sách bảo đảm thực hiện đầy đủ các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động theo đúng quy định tại Nghị định số 43/CP và Thông tư số 21/TT-LB các cấp công đoàn được sử dụng một phần kinh phí kết dư để chi các chế độ nghỉ ngơi, dưỡng sức đối với người lao động theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

V. TIỀN LƯƠNG LÀM CƠ SỞ TRẢ TRỢ CẤP BẢO HIỂM XÃ HỘI

Tiền lương làm cơ sở tính trả trợ cấp bảo hiểm xã hội trong thời gian người lao động nghỉ ốm đau, thai sản làm mức tiền lương của người lao động đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ ốm, nghỉ thai sản.

1. Đối với người lao động khu vực hành chính sự nghiệp, trợ cấp bảo hiểm xã hội được tính trên lương, cấp bậc; chức vụ và các phụ cấp lương (nếu có) theo quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính sự nghiệp.

2. Đối với người lao động khu vực sản xuất kinh doanh, trợ cấp bảo hiểm xã hội được tính trên lương cấp bậc, chức vụ và các phụ cấp lương (nếu có) theo quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp.

Riêng các doanh nghiệp có mức tiền lương cao hơn, hoặc thấp hơn nền tiền lương quy định tại Nghị định số 26/CP thì trợ cấp bảo hiểm xã hội tính trên mức tiền lương, thực tế đóng bảo hiểm xã hội của người lao động theo kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo nguyên tắc: Thu kinh phí bảo hiểm xã hội mức tiền lương nào thì tính trả trợ cấp bảo hiểm xã hội trên mức tiền lương đó (không khống chế mức trợ cấp tối đa và tối thiểu).

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trong quá trình thực hiện Nghị định số 43/CP; Thông tư số 21/TT-LB và Thông tư này, các LĐLĐ các tỉnh, thành phố, các công đoàn ngành TW cần chú ý một số điểm cơ bản sau đây:

1. Nghị định số 43/CP của Chính phủ được ban hành đã có những thay đổi về cơ bản nội dung các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với CNVC và người lao động. Do vậy, cần tiến hành ngay việc phổ biến, hướng dẫn và chỉ đạo đơn vị cơ sở nắm vững các chế độ bảo hiểm xã hội mới và bảo đảm thực hiện đúng đầy đủ các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với người lao động theo quy định tại Nghị định số 43/CP, Thông tư số 21/TT-LB và những nội dung hướng dẫn thực hiện trong Thông tư này.

2. Đối với người lao động thực hiện biện pháp y học để kế hoạch hoá gia đình theo quy định của chính sách dân số, trước mắt không giải quyết trợ cấp bảo hiểm xã hội, chờ hướng dẫn riêng của uỷ ban Quốc gia dân số - KHHGĐ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Riêng trường hợp lao động nữ thực hiện nạo thai do bệnh lý, được áp dụng hưởng trợ cấp ốm đau trong thời gian nghỉ phục hồi sức khoẻ theo đề nghị của bệnh viện hoặc cơ sở điều trị do ngành y tế quản lý.

3. Đối với khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, cần xác định và nắm vững những đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng từ 10 lao động trở lên thuộc đối tượng thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc quy định tại Nghị định số 43/CP và Thông tư số 21/TT-LB để có cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị đó xây dựng quy định bảo hiểm xã hội và thực hiện các chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính sẽ quy định và hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội đối với lao động ở khu vực này bằng một văn bản riêng.

D. HIỆU LỰC THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-1994

Các quy định trước đây về chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trái với Thông tư số 21/LB-TT và Thông tư này đều bãi bỏ.

Quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, đề nghị phản ánh về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xem xét giải quyết.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

Vũ Kim Quỳnh

(Đã ký)