cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư liên bộ số 73-TT/LB ngày 27/11/1992 Thực hiện Quy chế đặt và hoạt động của văn đại diện thường trú các tổ chức bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam do Bộ thương mại-Bộ tài chính ban hành (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 73-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Thương mại
  • Ngày ban hành: 27-11-1992
  • Ngày có hiệu lực: 27-11-1992
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-10-1999
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 2514 ngày (6 năm 10 tháng 24 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 16-10-1999
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 16-10-1999, Thông tư liên bộ số 73-TT/LB ngày 27/11/1992 Thực hiện Quy chế đặt và hoạt động của văn đại diện thường trú các tổ chức bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam do Bộ thương mại-Bộ tài chính ban hành (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Quyết định số 121/1999/QĐ-BTC ngày 01/10/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật bị bãi bỏ”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 73-TT/LB

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 1992

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ THƯƠNG MẠI - TÀI CHÍNH SỐ 73-TT/LB NGÀY 27 THÁNG 11 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ ĐẶT VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG ĐẠI ĐIỆN THƯỜNG TRÚ CÁC TỔ CHỨC BẢO HIỂM NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Nghị định số 382-HĐBT ngày 5-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện thường trú các tổ chức kinh tế nước ngoài tại Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Liên bộ Thương mại - Tài chính hướng dẫn để thi hành thống nhất về lĩnh vực bảo hiểm như sau:

1. Đối tượng được xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện:

Tất cả các tổ chức bảo hiểm nước ngoài có quan hệ với các doanh nghiệp hay các tổ chức khác tại Việt Nam về các lĩnh vực: Bảo hiểm, đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm, nhận tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, nhằm thực hiện các mục đích thuộc phạm vi hoạt động của văn phòng đại diện quy định tại Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 382-HĐBT và đủ điều kiện quy định tại Thông tư này đều có thể đề nghị xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện thường trú tại Việt Nam.

2. Điều kiện để được xét cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện:

- Tổ chức bảo hiểm nước ngoài đã được phép thành lập và hoạt động hợp pháp không dưới 3 (ba) năm và

- Có yêu cầu xúc tiến và đang thực hiện các dự án hoặc các hợp đồng hợp tác về lĩnh vực bảo hiểm với các doanh nghiệp hay các tổ chức khác tại Việt Nam và được Bộ Tài chính Việt Nam xác nhận, hoặc.

- Tổ chức bảo hiểm nước ngoài thuộc tập đoàn có vốn đầu tư lớn và tập đoàn đó đã đầu tư vào Việt Nam không dưới mười triệu đôla Mỹ.

3. Phạm vi hoạt động của Văn phòng đại diện:

Văn phòng đại diện của tổ chức bảo hiểm nước ngoài chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định tại Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 382-HĐBT.

Văn phòng đại diện của tổ chức bảo hiểm nước ngoài không được phép trực tiếp hoặc nhân danh tổ chức bảo hiểm nước ngoài làm trung gian để giới thiệu, quảng cáo, mời chào, thu hút các doanh nghiệp hay các tổ chức khác tại Việt Nam, ký kết hợp đồng bảo hiểm và hoạt động sinh lời tại Việt Nam.

4. Trình tự xét cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện:

Tổ chức bảo hiểm nước ngoài xin cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện phải làm đơn theo mẫu thống nhất của Bộ Thương mại, ngoài các giấy tờ có liên quan như quy định tại Điều 31 Thông tư 04 TN/PC ngày 6-5-1991 của Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Thương mại) cần gửi kèm theo giấy phép hoạt động bảo hiểm do cơ quan quản lý bảo hiểm nguyên xứ cấp.

Bộ hồ sơ nói trên, ngoài việc gửi theo quy định của Thông tư 04 TN/PC nói trên, bên nước ngoài cần gửi thêm một bộ cho Bộ Tài chính.

Khi nhận được bộ hồ sơ xin cấp giấy phép đặt văn phòng đại diện do bên nước ngoài gửi đến, Bộ Tài chính có trách nhiệm tham gia ý kiến bằng văn bản với Bộ Thương mại trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Căn cứ ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Thương mại sẽ xem xét việc cấp giấy phép đặt Văn phòng đại diện của Tổ chức bảo hiểm nước ngoài và thông báo kết quả cho Bộ Tài chính.

5. Chế độ kiểm tra và báo cáo định kỳ:

5.1. Chế độ kiểm tra:

Bộ thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan định kỳ kiểm tra hoạt động của Văn phòng đại diện của tổ chức bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

5.2. Chế độ báo cáo:

Văn phòng đại diện của tổ chức bảo hiểm nước ngoài phải tuân thủ chế độ báo cáo như đã quy định tại Điều 10.2 Thông tư 04 TN/PC ngày 6-5-1991 của Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Thương mại) và sao gửi các bản báo cáo nói trên cho Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi chung.

6. Quy định thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các quy định khác vẫn áp dụng theo Thông tư 04 TN/PC ngày 6-5-1991 của Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Thương mại) về hướng dẫn thực hiện Quy chế đặt và hoạt động của Văn phòng đại diện thường trú của tổ chức kinh tế nước ngoài tại Cộng hoà XHCN Việt Nam.

Lê Kim Lăng

(Đã ký)

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)