Nghị định số 95-HĐBT ngày 25/07/1989 của Hội đồng Bộ trưởng Quy chế về chế độ cải tạo không giam giữ và cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 95-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Ngày ban hành: 25-07-1989
- Ngày có hiệu lực: 25-07-1989
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 14-11-2000
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 4130 ngày (11 năm 3 tháng 25 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 14-11-2000
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 95-HĐBT | Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 1989 |
NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
SỐ 95-HĐBT NGÀY 25-7-1989 BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ CHẾ ĐỘ CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ VÀ CẢI TẠO Ở ĐƠN VỊ KỶ LUẬT CỦA QUÂN ĐỘIHỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;Để áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội theo quy định của điều 24 và điều 70 Bộ Luật Hình sự đã được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 6 năm 1985; thi hành các điều 227 khoản 2 và 6, điều 234, điều 237 Bộ Luật tố tụng hình sự đã được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1988;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau khi trao đổi thống nhất với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao. NGHỊ ĐỊNH: Điều 1. - Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế về chế độ cải tạo không giam giữ và cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội.
Điều 2. - Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| Đỗ Mười (Đã ký) |
QUY CHẾ
VỀ CHẾ ĐỘ CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ VÀ CẢI TẠO Ở ĐƠN VỊ KỶ LUẬT CỦA QUÂN ĐỘI
(Ban hành kèm theo Nghị định số 95-HĐBT ngày 25-7-1989 của Hội đồng Bộ trưởng)
Chương 1:
CHẾ ĐỘ CẢI TẠO KHÔNG GIAM GIỮ
Điều 1. - Chế độ cải tạo không giam giữ bao gồm các quy định về biện pháp tổ chức, thực hiện; các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của người bị kết án cải tạo không giam giữ để họ tham gia lao động, học tập và sinh hoạt có tổ chức và kỷ luật trong môi trường xã hội thích hợp, nhằm giáo dục cho họ ý thức tuân theo pháp luật, tôn trọng quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa.
Điều 2. - Khi tuyên hình phạt cải tạo không giam giữ, Toà án quyết định cơ quan tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục người bị kết án.
Cơ quan tổ chức được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục người bị kết án là.
a) Cơ quan, tổ chức, xí nghiệp hợp tác xã nơi người đó làm việc trước khi bị kết án.
b) Uỷ ban Nhân dân xã, phường nơi người bị kết án thường trú đối với những người trước khi bị kết án không làm việc ở các cơ quan, tổ chức nêu ở điểm a Điều này.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, Toà án phải gửi quyết định thi hành án và trích lục bản án cho cơ quan được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục người bị kết án.
Điều 3. - Khi nhận được quyết định thi hành án và trích lục bản án, thủ trưởng cơ quan, tổ chức xã hội, giám đốc xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nói ở điểm a, điều 2 Quy chế này có trách nhiệm bố trí để người bị kết án trở lại tham gia lao động, học tập và sinh hoạt bình thường; không được bố trí những chức vụ và công việc mà toà án đã cấm theo điều 28 Bộ Luật Hình sự.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã, phường nói ở điểm b, điều 2 Quy chế này, tuỳ điều kiện cụ thể của địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện để người bị kết án tham gia lao động, học tập, sinh hoạt tập thể và cải tạo tốt.
Điều 4. - Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phải phân công người trực tiếp phụ trách việc giáo dục người bị kết án, phối hợp với cơ quan công an và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác trong việc giám sát, giáo dục; yêu cầu người bị kết án thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của họ; nếu người bị kết án có biểu hiện tiêu cực thì phải có biện pháp kịp thời để ngăn ngừa, giáo dục, nếu thấy cần thiết phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục không được tự đặt thêm những hạn chế về quyền hạn và nghĩa vụ công dân của người bị kết án.
Khi cần xét giảm hoặc khi hết thời hạn cải tạo không giam giữ, cơ quan tổ chức được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục phải gửi đến toà án nhân dân cấp huyện nơi người bị kết án chấp hành hình phạt đối với trường hợp xét giảm và toà án đã xử sơ thẩm đối với trường hợp hết thời hạn, tất cả các báo cáo, kiểm điểm của người bị kết án kèm theo đề nghị hoặc nhận xét của mình về kết quả cải tạo của người bị kết án.
Điều 5. - Người bị kết án có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách và Luật pháp của Nhà nước: phải tích cực tham gia lao động, học tập và sinh hoạt tập thể, không vi phạm kỷ luật.
Ba tháng một lần người bị kết án phải báo cáo, kiểm điểm việc cải tạo của mình trước cơ quan, Tổ chức được giao giám sát, giáo dục.
Nếu người bị kết án chuyển chỗ ở sang địa phương khác, chuyển hoặc thôi việc ở cơ quan, tổ chức đang giám sát, giáo dục thì người bị kết án phải báo cáo với cơ quan, tổ chức đó và báo với toà án nơi người bị kết án chấp hành hình phạt biết để giao việc giám sát, giáo dục cho chính quyền địa phương nơi ở mới hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc mới của người bị kết án.
Điều 6. - Người bị kết án được hưởng mọi quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân nếu không bị Toà án tuyên hạn chế.
Người bị kết án được cơ quan, tổ chức giao việc làm thích hợp với yêu cầu giáo dục, cải tạo, có chú ý đến khả năng của người đó. Nếu họ công tác ở cơ quan, tổ chức xã hội hoặc lao động sản xuất ở xí nghiệp, hợp tác xã thì được hưởng lương, tiền công hoặc sản phẩm phù hợp với công việc và có cấu trừ để nộp cho Nhà nước theo tỷ lệ quy định trong bản án nếu có.
Nếu người bị kết án bị khấu trừ một phần thu nhập thì cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục có trách nhiệm khấu trừ và chuyển cho tòa án cấp huyện nơi họ chấp hành hình phạt để sung quỹ Nhà nước.
Người bị kết án công tác ở cơ quan, tổ chức xã hội hoặc làm việc ở xí nghiệp được hưởng chế độ như mọi cán bộ, công nhân viên chức khác. Thời gian cải tạo được tính vào thời gian công tác bắt đầu từ ngày cơ quan, tổ chức xã hội, xí nghiệp nhận được quyết định thi hành án và trích lục bản án, nhưng không được tính vào thời gian xét nâng lương.
Điều 7. - Nếu người bị kết án thực hiện tốt các nghĩa vụ của mình và cải tạo tốt hoặc lập công thì cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục đề nghị với Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị kết án chấp hành hình phạt giảm thời hạn, chấp hành hình phạt theo quy định tại các Điều 49 hoặc khoản 1, Điều 51 Bộ Luật Hình sự và Điều 238 Bộ Luật tố tụng Hình sự.
Trong quá trình chấp hành hình phạt nếu người bị kết án vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ quy định ở điều 5 Quy chế này thì cơ quan, tổ chức được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục phải báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
Chương 2:
CHẾ ĐỘ CẢI TẠO Ở ĐƠN VỊ KỶ LUẬT CỦA QUÂN ĐỘI
Điều 8. - Chế độ cải tạo ở đơn vị kỷ luật quân đội của quân đội bao gồm các quy định về biện pháp tổ chức, thực hiện; các quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của những quân nhân tại ngũ bị tòa án quân sự xử phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội phải lao động, học tập và sinh hoạt với những yêu cầu kỷ luật nghiêm khắc trong các đơn vị kỷ luật của quân đội nhằm giáo dục họ có ý thức tuân theo pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa.
Điều 9. - Tổ chức, biên chế, trang bị của các đơn vị kỷ luật của quân đội; các chế độ, tiêu chuẩn thực hiện ở các đơn vị kỷ luật của quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét và quyết định.
Cục Điều tra Hình sự Bộ Quốc phòng có trách nhiệm giúp Bộ trưởng quản lý, theo dõi, hướng dẫn chỉ đạo về nghiệp vụ các đơn vị kỷ luật của quân đội.
Điều 10. - Các đơn vị kỷ luật của quân đội có nhiệm vụ:
a) Tổ chức tiếp nhận, quản lý, giáo dục cải tạo những quân nhân tại ngũ phạm tội bị Tòa án Quân sự xử phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội.
b) áp dụng những biện pháp cụ thể, chặt chẽ và có hiệu quả để bắt buộc và tạo điều kiện cho quân nhân bị kết án học tập, sinh hoạt và lao động cải tạo tốt. Thường xuyên kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy chế, ý thức cải tạo của họ, nếu họ tiến bộ rõ rệt thì đề nghị Tòa án Quân sự giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
Thủ tục đề nghị xét giảm thời hạn cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội được áp dụng theo quy định tại Điều 4 và Điều 7 Quy chế này:
c) Có biện pháp kịp thời ngăn ngừa, giáo dục, nếu cần thiết phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với quân nhân bị kết án có biểu hiện tiêu cực.
d) Khi hết thời hạn cải tạo, đơn vị kỷ luật của quân đội nơi quân nhân bị kết án chấp hành hình phạt có trách nhiệm gửi cho Tòa án quân sự đã xét xử sơ thẩm hồ sơ chấp hành án và gửi cho đơn vị sẽ tiếp nhận quân nhân đó bản nhận xét về kết quả cải tạo của quân nhân bị kết án.
e) Tiến hành khấu trừ một phần thu nhập của những quân nhân hưởng lương theo quyết định của Tòa án (nếu có) và chuyển cho cơ quan tài vụ nơi đơn vị kỷ luật của quân đội trực thuộc để sung quỹ quốc phòng.
Điều 11. - Quân nhân tại ngũ phạm tội bị xử phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của quân đội có nghĩa vụ:
Chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ của quân đội, chế độ, nội quy và chỉ thị, mệnh lệnh của cán bộ phụ trách đơn vị kỷ luật.
Tích cực học tập, lao động, cải tạo, rèn luyện để tiến bộ và trở lại đơn vị tiếp tục phục vụ theo quy định của Luật về sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật Nghĩa vụ quân sự.
Điều 12. - Trong quá trình chấp hành hình phạt, nếu quân nhân bị kết án cải tạo tốt, tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm thời hạn cải tạo theo quy định tại các Điều 49 hoặc khoản 1, Điều 51 Bộ Luật hình sự và Điều 238 Bộ Luật tố tụng Hình sự. Nếu vi phạm kỷ luật, nội quy hoặc tiếp tục có những hành vi sai trái khác thì bị xử lý theo pháp luật.
Đối với hạ sỹ quan, chiến sĩ làm nghĩa vụ quân sự, thời gian chấp hành hình phạt ở đơn vị kỷ luật của quân đội không được tính vào thời hạn phục vụ tại ngũ.
Đối với sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp, thời gian chấp hành hình phạt ở đơn vị kỷ luật của quân đội được tính vào thâm niên công tác nhưng không được tính vào thời hạn để xét thăng cấp quân hàm hoặc nâng lương.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 13. - Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Điều 14. - Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm các Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo thực hiện Quy chế này.