Nghị định số 46-HĐBT ngày 10/05/1983 của Hội đồng Bộ trưởng Quy định việc xử lý bằng biện pháp hành chính các hành vi đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép (Tình trạng hiệu lực không xác định)
- Số hiệu văn bản: 46-HĐBT
- Loại văn bản: Nghị định
- Cơ quan ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
- Ngày ban hành: 10-05-1983
- Ngày có hiệu lực: 15-06-1983
- Ngày bị sửa đổi, bổ sung lần 1: 30-09-1986
- Tình trạng hiệu lực: Không xác định
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46-HĐBT | Hà Nội, ngày 10 tháng 5 năm 1983 |
NGHỊ ĐỊNH
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 46-HĐBT NGÀY 10 THÁNG 5 NĂM 1983 QUY ĐỊNH VIỆC SỬ LÝ BẰNG BIỆN PHÁP HÀNH CHÍNH CÁC HÀNH VI ĐẦU CƠ, BUÔN LẬU, LÀM HÀNG GIẢ KINH DOANH TRÁI PHÉP
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Điều 11 của pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép ngày 30-6-1982;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
NGHỊ ĐỊNH :
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. - Mọi hành vi đầu cơ buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép thuộc loại vi phạm nhỏ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đều bị sử lý bằng biện pháp hành chính theo quy định của nghị định này.
Vi phạm nhỏ là vi phạm trong trường hợp giá trị hàng phạm pháp dưới 2 vạn đồng (20 nghìn đồng) tính chất của việc vi phạm không nghiêm trọng; tác hại gây ra cho sản xuất và đời sống nhân dân, trật tự và an toàn xã hội không nhiều; người vi phạm không có tiền án, tiền sự; khi bị phát hiện không có hành động chống lại cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ.
Điều 2. - Thẩm quyền xác định vi phạm nhỏ để xử lý bằng biện pháp hành chính thuộc về các cơ quan được Nhà nước giao quyền để xử lý hành chính loại vi phạm đó. Đối với những vụ việc khó xác định là vi phạm nhỏ hay tội phạm thì cơ quan xử lý hành chính phải trao đổi ý kiến với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Nếu Viện kiểm soát nhân dân xét thấy cần truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan xử lý hành chính chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân.
Thủ tục xử lý hành chính được thực hiện theo các quy định hiện hành về từng lĩnh vực có liên quan (như quản lý thị trường, thuế, hải quan, kiểm lâm, cảnh sát kinh tế cùng các lĩnh vực khác).
Điều 3. - Việc xử lý các vi phạm phải kịp thời, phải nghiêm minh. Mức phạt nặng hay nhẹ phải căn cứ vào quy mô, tác hại của việc vi phạm, thủ đoạn dùng để vi phạm; bản chất của người vi phạm, vi phạm lần đầu hay tái phạm.
Nếu có khiếu nại đối với quyết định xử lý thì cơ quan có thẩm quyền phải xét giải quyết khiếu nại trong thời hạn pháp luật đã quy định.
Chương 2:
CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH.
Điều 4. - Người nào đầu cơ vật tư hàng hoá hoặc các loại tem phiếu, vé, giấy tờ có giá trị phân phối hàng hay cung ứng dịch vụ mà trị giá hàng phạm pháp dưới 20 nghìn đồng thì tuỳ theo lỗi nhẹ hay nặng bị xử phạt như sau:
1. Phạt tiền từ 3 đến 5 lần trị giá hàng phạm pháp.
2. Trưng mua toàn bộ hàng phạm pháp theo giá chỉ đạo thu mua của Nhà nước đối với mặt hàng đó, nếu là vi phạm lần đầu, hàng phạm pháp không thuộc diện Nhà nước cấm tư nhân kinh doanh và trị giá hàng phạm pháp dưới 10 nghìn đồng.
3. Tịch thu toàn bộ hàng phạm pháp nếu phạm pháp vào một trong các trường hợp sau đây:
- Tái phạm;
- Trị giá hàng phạm pháp từ 10 nghìn đồng trở lên;
- Hàng phạm pháp thuộc diện Nhà nước cấm tư nhân kinh doanh;
- Hàng phạm pháp là tem phiếu, vé, giấy tờ có giá trị phân phối hàng hoá hay cung ứng dịch vụ.
Điều 5. - Người nào buôn lậu, tàng trữ trái phép vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ, vật tư kỹ thuật hoặc các hàng khác Nhà nước cấm buôn bán, tàng trữ mà giá trị hàng phạm pháp dưới 20 nghìn đồng; người nào buôn bán hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới bằng đường bộ, đường thuỷ, đường không mà trị giá hàng phạm pháp dưới 20 nghìn đồng thì bị xử phạt như sau:
1. Tịch thu toàn bộ hàng phạm pháp và phương tiện mà người vi phạm chuyên dùng để cất dấu vận chuyển hàng phạm pháp.
2. Phạt tiền từ 1 đến 2 lần trị giá hàng phạm pháp nếu là vi phạm lần đầu.
3. Phạt tiền từ 3 đến 5 lần giá trị hàng phạm pháp nếu là tái phạm.
Điều 6. - Người nào mới bắt đầu làm hoặc bán một số ít hàng giả thì bị xử phạt như sau:
1. Tịch thu toàn bộ hàng giả và các phương tiện làm hàng giả.
2. Phạt tiền từ 500 đồng đến 10.000 đồng.
Nếu tái phạm hoặc nếu hàng giả thuộc loại lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh thì trong bất cứ trường hợp nào cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 7. - Người nào kinh doanh không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung được phép; vi phạm chế độ niêm yết giá; vi phạm chế độ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt như sau:
1. Cảnh cáo trong nội bộ ngành nghề, xã, phường.
2. Phạt tiền từ 100 đồng đến 5.000 đồng nếu là vi phạm lần đầu.
Phạt tiền từ 500 đến 10.000 đồng nếu là tái phạm.
Đối với người nâng giá cao hơn giá niêm yết thì ngoài việc xử phạt như trên còn bị xử lý theo Điều 8 của Nghị định số 19-HĐBT ngày 23-3-1983 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp.
Điều 8. Việc xử lý bằng biện pháp hành chính đối với những người vi phạm pháp luật về thuế được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh sửa đổi một số điều về thuế công thương nghiệp ngày 26-2-1983.
Điều 9. - Người đã được cấp giấy phép kinh doanh mà có hành vi vi phạm nói trong nghị định này thì ngoài việc bị xử phạt theo các điều 4, 5, 6, 7 trên đây còn bị thu hồi có thời hạn hoặc không thời hạn giấy phép kinh doanh.
Điều 10. - Người vi phạm là cán bộ, công nhân viên chức cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thì ngoài việc bị xử phạt theo các Điều 4, 5, 6, 7 trên đây, còn bị xử phạt về kỷ luật hành chính.
Điều 11. - Trị giá hàng phạm pháp nói trong nghị định này được tính theo giá trung bình trên thị trường không có tổ chức trong thời gian xử lý vi phạm. Giá này do cơ quan quản lý giá địa phương xác định.
Đối với hàng phạm pháp bị trưng mua thì trị giá hàng phạm pháp là giá Nhà nước trưng mua hàng đó.
Chương 3:
VIỆC XỬ LÝ TANG VẬT PHẠM PHÁP VÀ TIỀN PHẠT
Điều 12.- Tang vật bị tạm giữ để chờ xử lý phải được ghi rõ vào biên bản và phải được bảo vệ chu đáo.
Thủ trưởng đơn vị kiểm soát bắt giữ tang vật đó chịu trách nhiệm về mọi sự mất mát, hư hao, đối chác tang vật.
Điều 13.- Việc giải quyết tang vật bị bắt giữ và bị xử lý quy định như sau:
1. Tang vật sau khi bị bắt giữ, nếu là hàng tiêu dùng thuộc loại dễ hư hỏng thì chuyển giao ngay cho tổ chức thương nghiệp quốc doanh cùng cấp bán ra; các loại hàng khác thì chuyển cho cơ quan có chức năng quản lý hàng đó để tạm giữ chờ xử lý.
Cơ quan tiếp nhận hàng phải có giấy biên nhận cụ thể, làm đủ thủ tục nhập kho, ghi chép vào tài sản tạm giữ chờ xử lý.
Sau khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền, việc bán ra hay phân phối hàng tạm giữ nói trên phải theo đúng chế độ Nhà nước. Nếu là hàng tịch thu thì cơ quan mua hàng phải thanh toán tiền cho cơ quan tài chính để nộp vào ngân sách Nhà nước sau khi đã trích số tiền thưởng theo quyết định của cơ quan xử lý; nếu là hàng trưng mua thì thanh toán cho người vi phạm. Nếu hàng không thuộc diện tịch thu hay trưng mua thì trả lại ngay cho chủ sở hữu.
2. Đối với hàng giả, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xử lý việc vi phạm, tổ chức việc tiêu huỷ có lập biên bản.
3. Nếu vụ vi phạm phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì khi chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân, phải kèm theo biên nhận các tang vật đã thu giữ; việc giải quyết tang vật phải theo quyết định của Viện kiểm sát nhân dân.
Điều 14. - Đối với tiền phạt mà người vi phạm phải nộp thì cơ quan xử lý nhận; sau khi đã trích trả số tiền thưởng cho người có công, cơ quan xử lý nộp số tiền phạt còn lại vào ngân sách nhà nước.
Chương 4:
VIỆC KHEN THƯỞNG NHỮNG NGƯỜI CÓ THÀNH TÍCH PHÁT HIỆN, TRUY BẮT NGƯỜI VI PHẠM
Điều 15. - Những người có thành tích phát hiện, truy bắt người vi phạm thì người thì ngoài việc được khen thưởng theo chế độ chung của Nhà nước, còn được thưởng một khoản tiền từ 5% đến 10% trị giá hàng tịch thu hoặc tiền phạt tuỳ theo công lao đóng góp của mỗi người.
Mức tiền thưởng cho người có công nói trên do thủ trưởng cơ quan xử lý việc vi phạm quyết định.
Riêng đối với cán bộ, nhân viên các đơn vị có chức năng kiểm soát thì tiền thưởng theo mức nói trên được chuyển cho đơn vị; thủ trưởng đơn vị sẽ căn cứ vào công lao đóng góp của mỗi người mà quyết định mức thưởng cụ thể cho từng người.
Người được thưởng chỉ nhận tiền thưởng sau khi có quyết định xử lý.
Nghiêm cấm lấy hàng tịch thu hoặc hàng trưng mua để thưởng.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. - Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng có chức năng chỉ đạo quản lý thị trường và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thi hành nghị định này; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ, nhân viên có thành tích, đồng thời xử lý nghiêm minh những người không làm tròn trách nhiệm hoặc làm trái quy định của nghị định này, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.
Điều 17. - Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn chi tiết việc giải quyết đối với tang vật bị bắt giữ, xử lý và việc chi trả tiền thưởng theo quy định của nghị định này.
Điều 18. - Nghị định này được thi hành kể từ ngày công bố.
Những quy định trước đây trái với nghị định này đều bãi bỏ.
| Tố Hữu (Đã ký) |