Quyết định số 1323/QĐ-TCHQ ngày 22/06/2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Ban hành Quy trình kiểm tra việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 1323/QĐ-TCHQ
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tổng cục Hải quan
- Ngày ban hành: 22-06-2010
- Ngày có hiệu lực: 07-07-2010
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 15-08-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 1865 ngày (5 năm 1 tháng 10 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 15-08-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1323/QĐ-TCHQ | Hà Nội, ngày 22 tháng 06 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH KIỂM TRA VIỆC PHÂN LOẠI HÀNG HÓA, ÁP DỤNG MỨC THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU TRONG KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN
TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN
Căn cứ Luật Hải quan và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Thuế giá trị gia tăng. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế và các văn bản quy định hướng dẫn thi hành các Luật này;
Căn cứ Quyết định số 02/2010/QĐ-TTg ngày 15/01/2010 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hải quan;
Căn cứ Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22/01/2003 của Chính phủ và Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế nhập khẩu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình kiểm tra việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY TRÌNH
KIỂM TRA VIỆC PHÂN LOẠI HÀNG HÓA, ÁP DỤNG MỨC THUẾ ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU TRONG KHI LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1323/QĐ-TCHQ ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)
Phần 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
1. Quy trình này hướng dẫn trình tự, thủ tục kiểm tra việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khi làm thủ tục hải quan; Áp dụng đối với các lô hàng thuộc diện phải kiểm tra chi tiết hồ sơ hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa và được thực hiện đồng thời với Quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại, Quy trình kiểm tra và ấn định thuế.
Đối với các lô hàng thuộc diện kiểm tra sơ bộ hồ sơ thì cán bộ tiếp nhận phải kiểm tra sơ bộ về khai báo chi tiết tên hàng, mã số, mức thuế của các mặt hàng nhập khẩu.
2. Mục đích kiểm tra phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế là nhằm kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong khai báo tên hàng, mã số, mức thuế của người khai hải quan để đảm bảo kê khai đúng tên hàng, mã số, thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách nhà nước.
3. Nguyên tắc, nội dung kiểm tra: Tuân thủ các quy định tại Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về việc phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (sau đây gọi tắt là Thông tư số 49/2010/TT-BTC) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
4. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện tình trạng gian lận trong việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế thì Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định hiện hành.
5. Việc tra cứu, cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ cho quá trình kiểm tra việc phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế thực hiện theo Quy chế xây dựng, thu thập, cập nhật, sử dụng cơ sở dữ liệu.
Phần 2.
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Bước 1. Kiểm tra chi tiết hồ sơ hải quan:
1. Kiểm tra tính rõ ràng của việc khai báo tên hàng, mã số hàng hóa.
1.1. Yêu cầu kiểm tra:
Đảm bảo tên hàng được khai báo đầy đủ, chi tiết, có thể nhận biết và phân biệt được giữa hàng hóa này với hàng hóa khác, đáp ứng được yêu cầu về phân loại và xác định được mã số, áp dụng được mức thuế.
1.2. Nội dung kiểm tra:
Thực hiện theo quy định tại điểm 1.1, 1.2, khoản 1 Điều 13 Thông tư số 49/2010/TT-BTC.
1.3. Xử lý kết quả kiểm tra:
a) Nếu nội dung khai báo chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm tra thì yêu cầu người khai hải quan làm rõ thêm thông tin quy định tại điểm 2.1. Khoản 2 Điều 13 Thông tư số 49/2010/TT-BTC để đáp ứng được yêu cầu theo phiếu yêu cầu nghiệp vụ ban hành kèm theo quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại. Trường hợp khai báo điện tử thì công chức hải quan sử dụng chức năng trên hệ thống để phản hồi và hướng dẫn doanh nghiệp khai báo điều chỉnh, bổ sung.
b) Nếu nội dung khai báo đáp ứng được yêu cầu kiểm tra hoặc người khai hải quan đã bổ sung và làm rõ thông tin thì chuyển qua kiểm tra theo điểm 2, bước này.
c) Nếu người khai hải quan không làm rõ thêm thông tin hoặc thông tin cung cấp không đầy đủ, tên hàng không đáp ứng được yêu cầu của việc kiểm tra thì ghi nhận vào “Lệnh hình thức, mức độ kiểm tra hải quan” để làm cơ sở xử lý các khâu sau.
2. Kiểm tra tính chính xác, sự trung thực, phù hợp về nội dung của hồ sơ, tính hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ liên quan đến việc phân loại hàng hóa.
2.1. Yêu cầu kiểm tra:
Kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ, chính xác của các chứng từ, sự phù hợp về nội dung giữa các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan với nội dung khai báo trên tờ khai hải quan về tên hàng, mã số hàng hóa, mức thuế do người khai hải quan khai báo trên tờ khai với các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan.
2.2. Nội dung kiểm tra:
Thực hiện theo quy định tại các điểm 1.3, 1.4 khoản 1 Điều 13 Thông tư số 49/2010/TT-BTC.
2.3. Xử lý kết quả kiểm tra:
a) Sau khi kiểm tra các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan, nếu phát hiện có một trong những sai phạm có cơ sở xác định kê khai của người khai hải quan là chưa chính xác, chưa trung thực thì trình Chi cục trưởng ra quyết định ấn định thuế và thông báo để người khai hải quan biết, nộp thuế theo quy định tại Điều 23 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính, xử phạt hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
b) Trường hợp nếu có nghi ngờ theo quy định tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 13 Thông tư số 49/2010/TT-BTC thì trình Chi cục trưởng thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa.
c) Nếu khai báo đầy đủ, chính xác, chứng từ có liên quan đều hợp pháp, hợp lệ và thống nhất, không có mâu thuẫn thì chuyển qua kiểm tra mức thuế (Bước 3).
3. Cập nhật dữ liệu.
3.1. Yêu cầu cập nhật:
Đảm bảo tất cả các thông tin liên quan đến việc kiểm tra tên hàng, mã số phải được cập nhật đầy đủ, kịp thời đúng quy định vào cơ sở dữ liệu phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế.
3.2. Nội dung cập nhật:
Cập nhật đầy đủ theo hướng dẫn tại Quy chế xây dựng, thu thập, cập nhật, sử dụng cơ sở dữ liệu phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế.
Lưu ý: Bước cập nhật dữ liệu chỉ thực hiện khi có Quy chế xây dựng, thu thập, cập nhật, sử dụng cơ sở dữ liệu phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế được ban hành.
Bước 2. Kiểm tra thực tế hàng hóa:
Trường hợp kiểm tra container bằng máy soi: Thực hiện theo quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 446/QĐ-TCHQ ngày 10/3/2010 của Tổng cục Hải quan.
Công chức hải quan làm nhiệm vụ tại khâu kiểm tra thực tế hàng hóa, trong khi thực hiện các công việc theo quy định tại Quy trình thủ tục hải quan hiện hành có nhiệm vụ thực hiện đầy đủ các công việc sau đối với hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra thực tế hàng hóa:
1. Xác định tên gọi, đặc tính và mã số của hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu.
1.1. Yêu cầu kiểm tra:
Xác định đúng, đủ tên hàng và các đặc trưng cơ bản của hàng hóa, đáp ứng được yêu cầu phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế.
1.2. Nội dung kiểm tra:
a) Công chức kiểm tra thực tế hàng hóa đối chiếu tên gọi của hàng hóa trên tờ khai với hàng hóa nhập khẩu thực tế để xác định thông tin nào thiếu, cần bổ sung, thông tin nào sai, cần sửa chữa hay loại bỏ. Trong quá trình kiểm tra, công chức hải quan cần làm rõ những đặc trưng cơ bản của hàng hóa theo yêu cầu của Danh mục hàng hóa và Biểu thuế nhập khẩu để đáp ứng việc phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế. Ví dụ:
- Đối với hàng hóa là máy móc thiết bị phải thể hiện được đặc điểm, cấu tạo, công dụng, công suất, các tính năng kỹ thuật khác …;
- Đối với phụ tùng chi tiết ngoài việc mô tả chi tiết tên hàng, cấu tạo, phải thể hiện được là bộ phận gì, sử dụng cho loại máy móc nào …;
- Đối với mặt hàng ô tô phải thể hiện chi tiết tên hàng, loại xe (xe chở người, xe ô tô chơi gôn, xe cứu thương, xe chuyên dùng …), số chỗ ngồi (chở người), dung tích xi lanh; tải trọng, trọng tải (xe tải) …;
- Đối với mặt hàng là thuốc tân dược phải thể hiện chi tiết loại thuốc (dạng mỡ, dạng viên, dạng nước), thành phần, hàm lượng, công dụng …;
- Đối với các mặt hàng là sắt hoặc thép phải thể hiện được loại hợp kim/không có hợp kim, hàm lượng carbon, đã hoặc chưa phủ mạ, tráng …;
Vv…;
b) Trường hợp công chức kiểm tra thực tế hàng hóa không thể mô tả được tên hàng, đặc tính trực tiếp bằng mắt thường thì thực hiện theo điểm b, khoản 1.3 sau đây.
1.3. Xử lý kết quả kiểm tra:
Công chức thực hiện kiểm tra có trách nhiệm ghi chép phản ánh đầy đủ kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trên tờ khai hải quan để đáp ứng được yêu cầu kiểm tra, phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế.
a) Trường hợp kết quả kiểm tra xác định có sự sai lệch về tên hàng, mã số khai báo trên tờ khai và các thông tin ghi trên các chứng từ trong bộ hồ sơ hải quan với hàng hóa thực tế xuất khẩu, nhập khẩu thì trình Chi cục trưởng ra quyết định ấn định mã số, mức thuế theo quy định tại Điều 23 Thông tư 79/2009/TT-BTC và thông báo để người khai hải quan biết, nộp thuế theo quy định, xử phạt hành vi vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
b) Trường hợp kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa chưa đủ cơ sở để xác định tên hàng, mã số hàng hóa thì báo cáo bằng văn bản, trình lãnh đạo Chi cục kiểm tra bằng máy móc thiết bị theo quy định tại điểm 2.2 khoản 2 Điều 14 Thông tư số 49/2010/TT-BTC và căn cứ kết quả việc phân tích phân loại, kết quả giám định để kết luận về tên hàng, mã số.
c) Nếu tên hàng, mã số hàng hóa do doanh nghiệp khai báo phù hợp với kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa thì chuyển qua kiểm tra mức thuế (Bước 3).
2. Nhập dữ liệu: Tương tự như khoản 3, bước 1, mục I, Quy trình này.
2.1. Yêu cầu cập nhật:
Đảm bảo cập nhật đầy đủ, chi tiết và chính xác các thông tin về hàng hóa vào cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác kiểm tra, phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế tại các khâu sau.
2.2. Nội dung cập nhật:
Cập nhật bổ sung các thông tin về hàng hóa theo kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa vào cơ sở dữ liệu.
Bước 3. Kiểm tra mức thuế
1. Yêu cầu kiểm tra: Xác định tính chính xác của mức thuế khai báo.
2. Nguyên tắc, căn cứ, cách thức áp dụng mức thuế: thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 49/2010/TT-BTC.
3. Nội dung kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra: Thực hiện theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 49/2010/TT-BTC.
Bước 4. Thực hiện các công việc khác có liên quan đến công tác phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế
Lập và gửi các báo cáo về công tác phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế theo yêu cầu của Cục, Tổng cục.
Phần 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng chỉ đạo triển khai các nội dung trên.
2. Căn cứ các quy định trên đây, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tùy theo đặc điểm tình hình đơn vị để có hướng dẫn chi tiết các thao tác nghiệp vụ và thời gian báo cáo trong nội bộ đơn vị phù hợp với quy định của Tổng cục.
3. Trong quá trình thực hiện văn bản này nếu có vướng mắc đề nghị Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời về Tổng cục để xem xét xử lý.