Quyết định số 77/2005/QĐ.UBND ngày 05/09/2005 Về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ công tác nghiên cứu, soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 77/2005/QĐ.UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Cơ quan ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Ngày ban hành: 05-09-2005
- Ngày có hiệu lực: 15-09-2005
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 28-07-2007
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 681 ngày (1 năm 10 tháng 16 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 28-07-2007
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 77/2005/QĐ.UBND | Ngày 05 tháng 9 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, SOẠN THẢO,THẨM ĐỊNH VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 27/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Thông tư 15/2001/TT-BTC ngày 21/3/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý cấp phát và quyết toán kinh phí hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 955/TTr.STP ngày 02/8/2005 và Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 2298/TC.HCVX ngày 24/8/2005;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng:
1. Văn phòng UBND tỉnh, các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh; Văn phòng HĐND &UBND, các phòng ban chuyên môn cấp huyện; UBND cấp xã khi được giao nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của cấp mình ngoài việc sử dụng nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách thường xuyên hàng năm của đơn vị còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để phục vụ cho việc xây dựng, thẩm định, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
2. Quyết định này chỉ áp dụng đối với văn bản quy phạm pháp luật do UBND các cấp ban hành, gồm: Quyết định và Chỉ thị.
Điều 2. Kinh phí hỗ trợ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được sử dụng để chi cho các nội dung sau:
1. Chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật:
a) Chi tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến văn bản.
b) Chi phí điều tra, khảo sát.
c) Chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo đề cương, dự thảo văn bản.
d) Chi phí văn phòng phẩm, chi phí in ấn.
e) Các khoản chi khác (nếu có).
2. Chi cho công tác hội thảo, tổ chức lấy ý kiến các ngành và chuyên gia về dự thảo văn bản.
3. Chi cho công tác thẩm định dự thảo văn bản.
4. Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản.
Điều 3. Mức kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng văn bản QPPL do UBND cùng cấp quyết định tuỳ thuộc vào quy mô, tính chất quan trọng từng văn bản và khả năng ngân sách hàng năm; văn bản thuộc cấp nào thì cấp đó hỗ trợ kinh phí.
Điều 4. Mức chi cụ thể đối với văn bản do UBND tỉnh ban hành:
1. Đối với Quyết định: Mức chi tối đa không quá 4.000.000 đồng /01 văn bản, trong đó:
a) Chi tập hợp, hệ thống các chủ trương, chính sách, thông tin, tư liệu liên quan đến văn bản; chi phí điều tra, khảo sát... (nếu có): Mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, làm thêm giờ nhưng tối đa không quá 700.000đồng.
b) Mức chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo đề cương: Không quá 300.000đồng.
c) Mức chi cho công tác soạn thảo dự thảo văn bản: Không quá 400.000đồng.
d) Chi cho công tác hội thảo, tổ chức lấy ý kiến các ngành và chuyên gia về dự thảo văn bản: Không quá 1.800.000đ đối với 1 văn bản.
- Mức chi cho chủ trì cuộc họp: Không quá 100.000đồng /người /1ần.
- Mức chi cho thành viên tham gia hoặc được lấy ý kiến tham gia bằng văn bản: Không quá 50.000đồng /người /lần.
e) Chi cho công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật: Không quá 500.000đồng /1 văn bản
f) Chi cho công tác lập hồ sơ, trình ký, phát hành văn bản quy phạm pháp luật: Không quá 400.000đồng /1 văn bản.
g) Chi cho các khoản chi khác như làm thêm giờ (nếu có), văn phòng phẩm: Thực hiện theo chế độ hiện hành.
2. Đối với Chỉ thị: Mức chi tối đa không quá 1.000.000 đồng / 01 văn bản, trong đó:
a) Mức chi cho công tác soạn thảo dự thảo văn bản: Không quá 200.000đồng.
b) Chi cho công tác lấy ý kiến góp ý về dự thảo chỉ thị: Không quá 500.000đồng.
- Mức chi cho thành viên tham gia hoặc được lấy ý kiến tham gia bằng văn bản: Không quá 50.000đồng /người.
c) Chi cho công tác thẩm định dự thảo văn bản: Không quá 100.000đồng.
d) Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản: Không quá 100.000đồng.
e) Chi cho các khoản chi khác như làm thêm giờ (nếu có), văn phòng phẩm: Thực hiện theo chế độ hiện hành.
Điều 5. Mức chi cụ thể đối với văn bản do UBND cấp huyện ban hành:
1. Đối với Quyết định: Mức chi tối đa không quá 1.500.000 đồng / 01 văn bản, trong đó:
a) Chi phí điều tra, khảo sát: mức chi thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí, làm thêm giờ nhưng tối đa không quá 200.000đồng.
b) Mức chi cho công tác nghiên cứu, soạn thảo đề cương: Không quá 100.000đồng.
c) Mức chi cho công tác soạn thảo dự thảo văn bản: Không quá 200.000đồng.
d) Chi cho công tác hội thảo, tổ chức lấy ý kiến các ngành và chuyên gia về dự thảo văn bản (1 lần họp cho 1 văn bản và tối đa không quá 600.000đồng).
- Mức chi cho chủ trì cuộc họp tối đa không quá 50.000đồng /người /1ần.
- Mức chi cho thành viên tham gia hoặc được lấy ý kiến tham gia bằng văn bản tối đa không quá 30.000đồng /người /lần.
e) Chi cho công tác thẩm định văn bản QPPL: Không quá 100.000đồng.
f) Chi cho công tác lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản QPPL: Không quá 200.000đồng.
g) Chi cho các khoản chi khác như làm thêm giờ (nếu có), văn phòng phẩm: Thực hiện theo chế độ hiện hành.
2. Đối với các Chỉ thị: Mức chi tối đa không quá 500.000 đồng / 01 văn bản, trong đó:
a) Mức chi cho công tác soạn thảo dự thảo văn bản: Không quá 100.000đồng.
b) Chi cho các ý kiến góp ý: 50.000đồng /ý kiến nhng tối đa không quá 200.000đồng / 01 văn bản.
c) Chi cho công tác tổng hợp, hoàn thiện dự thảo văn bản: Không quá 100.000đồng.
d) Chi cho công tác thẩm định văn bản: Không quá 50.000đồng.
e) Chi cho công lác lập hồ sơ trình ký, phát hành văn bản: Không quá 50.000đồng.
f) Chi cho các khoản chi khác như làm thêm giờ (nếu có), văn phòng phẩm: Thực hiện theo chế độ hiện hành.
Điều 6. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật do UBND cấp xã ban hành ban hành: Mức chi tối đa không quá 400.000 đồng / 01 văn bản, trong đó:
a) Mức chi cho công tác soạn thảo dự thảo văn bản: Không quá 100.000đồng.
b) Chi cho các ý kiến góp ý: 20.000đồng /ý kiến nhưng tối đa không quá 100.000đồng /01 văn bản.
c) Chi cho công tác thẩm định văn bản: Không quá 50.000đồng.
d) Chi cho công tác trình ký, phát hành văn bản: Không quá 50.000đồng.
e) Chi Văn phòng phẩm: Thực hiện theo chế độ hiện hành.
Điều 7. Lập dự toán kinh phí hỗ trợ công tác xây dựng văn bản:
1. Hàng năm, căn cứ vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan tư pháp chủ trì, phối hợp với cơ quan Tài chính, Văn phòng UBND cùng cấp lập dự toán, xác định mức kinh phí hỗ trợ cho từng văn bản quy phạm pháp luật để tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thời hạn gửi dự toán kinh phí và dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải cùng thời gian xây dựng dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật ban hành ngoài Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm, văn bản quy phạm có trong Chương trình nhưng chuyển sang năm sau hoặc tạm dừng thực hiện, thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải kịp thời thông báo đến cơ quan Tài chính, cơ quan tư pháp cùng cấp để tổng hợp, bổ sung và điều chỉnh kinh phí cho phù hợp.
3. UBND cấp xã lập dự toán ngân sách chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hàng năm của cấp mình trình HĐND cùng cấp phê duyệt.
Điều 8. Cấp phát kinh phí:
1. Trên cơ sở dự toán kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được duyệt trong dự toán ngân sách hàng năm, cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc cấp phát nguồn kinh phí hỗ trợ cho cơ quan lập dự toán.
2. Căn cứ vào tiến độ triển khai xây dựng từng văn bản, các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì xây dựng, thẩm định, trình ký văn bản lập hồ sơ liên quan bao gồm: Tờ trình đề nghị hỗ trợ; Dự thảo hoặc Bản sao văn bản đã được ký ban hành và các chứng từ liên quan hợp lệ để làm thủ tục thanh toán.
3. Cơ quan chịu trách nhiệm làm thủ tục thanh, quyết toán:
a) Sở Tư pháp chịu trách nhiệm thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các cơ quan, đơn vị theo chứng từ hợp pháp, hợp lệ nhưng không được vượt quá số kinh phí được phê duyệt cho từng loại văn bản;
b) Phòng tư pháp cấp huyện phối hợp với Phòng Tài chính huyện làm thủ tục thanh toán cho các đơn vị thụ hưởng theo mức đã được phê duyệt;
c) UBND cấp xã chịu trách nhiệm thanh toán kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản theo mức dự toán đã được phê duyệt.
Điều 9. Quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản
1. Việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải tuân theo đúng các quy định của luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước; Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 60/2003/NĐ-CP và Thông tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
2. Cơ quan đơn vị tổ chức được phân công chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng nội dung, đúng chế độ chi tiêu tài chính hiện hành. Nếu sử dụng sai mục đích, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 114/2002/QĐ-UB ngày 26/12/2002 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản QPPL.
Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch HĐND và UBND các huyện, Thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.
Nơi nhận: | TM. UBND TỈNH NGHỆ AN |