cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 63/2011/TT-BGTVT ngày 22/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Về danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải (Văn bản hết hiệu lực)

  • Số hiệu văn bản: 63/2011/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Ngày ban hành: 22-12-2011
  • Ngày có hiệu lực: 05-02-2012
  • Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 01-02-2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Thời gian duy trì hiệu lực: 1823 ngày (4 năm 12 tháng 3 ngày)
  • Ngày hết hiệu lực: 01-02-2017
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:
Caselaw Việt Nam: “Kể từ ngày 01-02-2017, Thông tư số 63/2011/TT-BGTVT ngày 22/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Về danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải (Văn bản hết hiệu lực) bị bãi bỏ, thay thế bởi Thông tư số 39/2016/TT-BGTVT ngày 06/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải (Văn bản hết hiệu lực)”. Xem thêm Lược đồ.

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2011/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2011

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHẢ NĂNG GÂY MẤT AN TOÀN THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/04/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn và quy định nguyên tắc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định cụ thể về:

1. Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sau đây gọi tắt là Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải được quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi là Nghị định số 132/2008/NĐ-CP).

2. Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh, thiết kế, thi công xây dựng, các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

2. Tổ chức cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

Điều 3. Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải quy định tại Phụ lục của Thông tư này.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý

1. Việc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này được thực hiện theo nguyên tắc sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, hoặc đưa vào khai thác, sử dụng phải được chứng nhận công bố hoặc thử nghiệm, nghiệm thu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hoặc quy định về quản lý chất lượng tương ứng do Bộ Giao thông vận tải ban hành.

2. Tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định phải đăng ký lĩnh vực hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 5. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Vụ Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai, hướng dẫn thực hiện Thông tư này và trình Bộ trưởng sửa đổi, bổ sung Danh mục theo yêu cầu quản lý.

3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng các Cục, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website: Chính phủ; BGTVT;
- Lưu: VT, KHCN.

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHẢ NĂNG GÂY MẤT AN TOÀN THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Thông tư số 63/2011/TT-BGTVT ngày 22 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

TT

Tên sản phẩm, hàng hóa

I. Phương tiện, trang thiết bị chuyên ngành giao thông vận tải

1.

Xe ô tô và các loại xe có động cơ chở người, vận tải hàng hóa (trừ các phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh);

2.

Máy kéo, ô tô đầu kéo, xe ô tô rơ-moóc, bán rơ-moóc, xe ô tô chuyên dùng các loại;

3.

Ô tô sát xi dùng để đóng mới xe tải, xe khách và các loại xe chuyên dùng khác;

4.

Mô tô, xe máy hai, ba bánh các loại, xe đạp điện;

5.

Cần cẩu, cần trục, cổng trục, thiết bị xếp dỡ, vận tải chuyên dùng sử dụng trong giao thông vận tải;

6.

Các loại xe máy chuyên dùng trong thi công xây dựng công trình giao thông (máy ủi, máy san, máy cạp, máy xúc, máy đào, máy xúc ủi, máy lu, máy đặt ống,…);

7.

Phương tiện giao thông đường sắt các loại (đầu máy, toa xe, phương tiện động lực chuyên dùng);

8.

Tàu biển, phương tiện thủy nội địa các loại (trừ các phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá);

9.

Tàu đèn hiệu, tàu kéo và tàu đẩy, tàu cứu hộ, tàu hút nạo vét (tàu cuốc), cần cẩu nổi, ụ nổi sửa chữa tàu và tàu thuyền chuyên dùng khác;

10.

Các loại thiết bị phao nổi, xuồng cứu sinh trong giao thông vận tải;

11.

Nồi hơi, bình chịu áp lực, công ten nơ các loại dùng trong giao thông vận tải;

12.

Dàn khoan, thiết bị thăm dò, khai thác, hệ thống đường ống dẫn dầu hoặc khí trên biển;

13.

Báo hiệu hàng hải; Báo hiệu giao thông đường bộ; Báo hiệu giao thông đường sắt; Báo hiệu giao thông hàng không; Báo hiệu giao thông đường thủy nội địa;

14.

Tàu bay (trừ các phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh);

15.

Hệ thống đèn tín hiệu khu bay, hệ thống dẫn đường cho máy bay, hệ thống đèn đêm, hệ thống ILS/DME sân bay;

16.

Xe nạp khí mát, xe thang hành khách, xe băng chuyền hành khách, xe nạp điện máy bay, xe kéo đẩy tàu bay, hệ thống xử lý hành lý, hệ thống báo cháy tự động dùng trong nhà ga, bến cảng, sân bay, kho bãi vận tải, xe cứu hỏa chuyên dùng ngành hàng không;

II. Kết cấu hạ tầng giao thông

17.

Công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt;

Công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa;

Công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải;

Công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông hàng không.

III. Dịch vụ trong lĩnh vực giao thông, vận tải

18.

Dịch vụ hoa tiêu hàng hải;

Dịch vụ an ninh hàng hải và hàng không;

19.

Dịch vụ thông tin duyên hải;

20.

Dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải.