cơ sở dữ liệu pháp lý

Thông tin văn bản
  • Thông tư số 06/2000/TT-BTC ngày 18/01/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Thi hành chủ trương, biện pháp điều hành dự toán ngân sách Nhà nước năm 2000 (Tình trạng hiệu lực không xác định)

  • Số hiệu văn bản: 06/2000/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Cơ quan ban hành: Bộ Tài chính
  • Ngày ban hành: 18-01-2000
  • Ngày có hiệu lực: 18-01-2000
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
  • Ngôn ngữ:
  • Định dạng văn bản hiện có:

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/2000/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 1 năm 2000

 

THÔNG TƯ

BỘ TÀI CHÍNH SỐ 06/2000/TT-BTC NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỂM VỀ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP ĐIỀU HÀNH DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2000

Căn cứ Nghị quyết số 24/1999/QH10 ngày 29/11/1999 của Quốc hội Khóa X, kỳ họp thứ 6 về dự toán NSNN năm 2000;
Căn cứ Quyết định số 240/1999/QĐ-TTg ngày 29/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch và dự toán NSNN năm 2000;
Căn cứ Quyết định số 03/2000/QĐ-TTg ngày 04/01/2000 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế thưởng và cấp lại do thực hiện vượt dự toán thu năm 2000 cho ngân sách địa phương;
Căn cứ Chỉ thị số 17/1999/CT-TTg ngày 30/6/1999 của Thủ tướng Chỉnh phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2000;
Bộ Tài chính hướng dẫn một số điểm về chủ trương và biện pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2000 như sau:

I/ VỀ PHÂN CẤP NHIỆM VỤ THU, CHI NGÂN SÁCH:

1- Ngoài các nhiệm vụ chi đã phân cấp cho địa phương như năm 1999, từ năm 2000 chuyển giao từ ngân sách Trung ương về ngân sách địa phương một số nhiệm vụ chi sau đây:

1.1- Chi đảm bảo hoạt động quản lý Nhà nước của:

- Bộ máy định canh, định cư của địa phương;

- Bộ phận quản lý tài chính doanh nghiệp, quản lý vốn đầu tư phát triển thuộc Sở Tài chính - Vật giá địa phương;

- Bộ máy quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất (không kể Ban quản lý khu công nghiệp Dung Quất, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh).

1.2- Chi đo lưới địa chính cấp I, cấp II; đo vẽ bản đồ địa chính các khu vực không có bản đồ ảnh; chi đo vẽ chi tiết bản đồ địa chính sau khi có bản đồ ảnh địa chính.

1.3- Chi đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình nhằm ổn định sản xuất, đời sống dân cư vùng lòng hồ từ nguồn thu thuế tài nguyên nước thuỷ điện đối với các tỉnh: Yên bái, Kon tum, Gia lai, Đăklăk, Lâm Đồng, Bình Phước.

2- Cân đối nguồn trong dự toán chi ngân sách địa phương:

2.1- Chi đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn.

2.2- Chi phụ cấp cho cán bộ y tế thôn bản tại địa bàn miền núi, vùng cao, hải đảo.

3- Tiếp tục thực hiện cơ chế sử dụng một số nguồn thu để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương:

3.1- Toàn bộ số thu về tiền sử dụng đất và tiền cho thuê đất, kể cả tiền cho thuê đất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (trừ tiền cho thuê đất từ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí do trung ương quản lý) để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đo đạc địa chính, kiểm kê đất, giao đất, chỉnh lý sự biến động về đất đai, ...

3.2- Toàn bộ số thu về tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước để đầu tư phát triển quỹ nhà ở và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng khu dân cư như hệ thống cấp thoát nước, hệ thống đèn chiếu sáng, công trình vệ sinh công cộng,...

3.3- Sử dụng nguồn thu xổ số kiến thiết để đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa các công trình giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội theo nguyên tắc như năm 1999.

3.4- Thuế sử dụng đất nông nghiệp để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và quản lý đất đai, trong đó chú ý đầu tư xây dựng, sửa chữa và bê tông hóa các công trình thuỷ lợi, kênh mương nội đồng, hệ thống đê, kè, các trạm trại nông nghiệp, công tác khuyến nông, khuyến ngư,... đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào phục vụ sản xuất, chế biến nông lâm sản, đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đo đạc ruộng đất, kiểm kê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ cho doanh nghiệp thuỷ nông, ...

3.5- Thuế tài nguyên rừng, kể cả tiền bán cây đứng (nếu có) địa phương được sử dụng toàn bộ cho đầu tư, khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới rừng và cải tạo rừng, khuyến lâm, trồng cây phân tán, đo đạc diện tích rừng, kiểm kê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, ...

3.6- Nguồn thu quảng cáo truyền hình: Được sử dụng toàn bộ số thu theo phân cấp để đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, mua sắm thiết bị cho đài truyền hình theo qui định tại thông tư số 81 TC/HCSN ngày 23/12/1996 của Bộ Tài chính.

Việc phân cấp, quản lý và báo cáo tình hình sử dụng các nguồn thu trên được thực hiện theo quy định tại điểm 2 - Phần I - Thông tư số 190/1998/TT-BTC ngày 31/12/1998 của Bộ Tài chính.

4- Ổn định nguồn thu và thưởng vượt dự toán thu cho ngân sách địa phương:

4.1- Căn cứ dự toán NSNN năm 2000 được Thủ tướng Chính phủ giao, thực hiện ổn định các nguồn thu và tỷ lệ phân chia các nguồn thu giữa ngân sách Trung ương với ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4.2- Để khuyến khích các địa phương tăng cường chỉ đạo và quản lý thu, tiếp tục thực hiện cơ chế thưởng vượt dự toán giao năm 2000 để địa phương có thêm nguồn tăng chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ quan trọng, đột xuất phát sinh ở địa phương. Cụ thể như sau:

- Đối với khoản thu được thưởng theo quy định của Luật NSNN:

+ Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt hàng sản xuất trong nước (không kể phần ngân sách địa phương đã được hưởng theo phân cấp): Thưởng 100% số thu vượt dự toán do Thủ tướng Chính phủ giao.

+ Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng nhập khẩu: Số vượt thu dự toán Thủ tướng Chính phủ giao từ 20 tỷ đồng trở xuống thưởng 100%, số vượt thu từ trên 20 tỷ đồng thưởng thêm 50% số vượt thêm nhưng tổng số thưởng tối đa không vượt quá 50 tỷ đồng.

Điều kiện, nguyên tắc xét thưởng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 105/1999/TT-BTC ngày 30/08/1999, khoản 6 phần IV Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/07/1998 của Bộ Tài chính.

- Đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương:

Ngoài các khoản thu được xét thưởng theo quy định tại Thông tư số 105/1999/TT-BTC ngày 30/8/1999 của Bộ Tài chính, được tính xét thưởng thêm cả phần thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất kinh doanh trong nước (không kể thuế giá trị gia tăng từ hoạt động quảng cáo truyền hình, hoạt động xổ số kiến thiết).

Mức thưởng: 50% số vượt dự toán thu được Thủ tướng Chính phủ giao của tổng số các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương thực nộp về ngân sách Trung ương.

Điều kiện và nguyên tắc xét thưởng được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 105/1999/TT-BTC ngày 30/8/1999 của Bộ Tài chính.

- Các khoản tiền thưởng nêu trên được sử dụng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất phát sinh ở địa phương, trong đó chú ý ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng có nhiều khó khăn, các lĩnh vực thuỷ lợi, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và môi trường, ...

Việc báo cáo và đề xuất trích thưởng thực hiện như quy định tại điểm 6.3 khoản 6 Phần IV - Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/07/1998 của Bộ Tài chính. Tiền thưởng vượt thu được hạch toán và quyết toán vào NSNN năm 2001.

II/ VỀ THU NGÂN SÁCH:

Căn cứ mức thu Thủ tướng Chính phủ giao, các Bộ, cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan cần khẩn trương làm tốt công tác giao dự toán thu cho các đơn vị trực thuộc và cấp dưới. Mức giao tối thiểu phải bằng mức Thủ tướng Chính phủ giao và cần giao chỉ tiêu thu phấn đấu tăng tối thiểu 3% mức Thủ tướng Chính phủ giao.

Để thực hiện đạt và vượt dự toán thu, trong phạm vi và quyền hạn của mình, các cấp, các ngành cần có biện pháp thiết thực:

1- Tập trung chỉ đạo công tác thu ngay từ đầu năm. Chủ động tháo gỡ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm ổn định sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt các giải pháp kích cầu của Chính phủ để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu thuế nhằm chống thất thu, trốn thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại ..., bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước.

2- Tiến hành sơ kết, đánh giá một năm thực hiện các Luật thuế mới, nhất là thuế giá trị gia tăng. Trên cơ sở đó kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển. Thực hiện hoàn thuế cho các doanh nghiệp, miễn giảm một số khoản thuế và tài trợ lại thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ sở ngoài công lập khi thực hiện xã hội hóa các hoạt động giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, ... theo đúng quy định, không gây ách tắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, ... phát triển.

3- Trên cơ sở kết quả kiểm kê doanh nghiệp nhà nước, nắm chắc tình hình tài chính của doanh nghiệp, thúc đẩy việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện cổ phần hoá một cách vững chắc từ đó huy động thêm vốn phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động, tập trung vốn cho các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm,... Thực hiện các hình thức chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước theo Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/09/1999 của Chính phủ nhằm phát huy nội lực, mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu cho ngân sách.

4- Đối với các hộ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp, buôn bán nhỏ, phải xác định lại mức thuế hợp lý, công bố ổn định và công khai mức thuế 6 tháng đến 1 năm; đồng thời kiểm soát và xử phạt đối với những hộ cố tình trốn lậu thuế.

5- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần khẩn trương triển khai:

- Thực hiện tốt chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn và cho nông dân vùng thiên tai lũ lụt theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.

- Đối với các tỉnh miền Trung bị thiên tai lũ lụt, căn cứ vào mức độ thiệt hại, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định cụ thể mức miễn, giảm thuế đối với hoạt động đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản, làm muối cho nông dân, ngư dân, diêm dân vùng bị thiên tai, lũ lụt. Việc miễn giảm thuế phải đảm bảo công bằng, hợp lý giữa các đối tượng, giữa các vùng.

Các tỉnh, thành phố cần chủ động cân đối nguồn, đảm bảo cho các huyện, xã không vì thực hiện miễn giảm thu theo chính sách mà ảnh hưởng đến ngân sách, đảm bảo cho các huyện, xã có mức chi thường xuyên (không kể các chế độ, chính sách mới) không thấp hơn dự toán ngân sách năm 1999 được cấp có thẩm quyền giao.

6- Tăng cường quản lý đối với các khoản thu sự nghiệp, các khoản thu phí, lệ phí, ...theo hướng dẫn tại Nghị định số 04/1999/NĐ-CP ngày 30/01/1999 của Chính phủ về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước và Thông tư số 54/1999/TT-BTC ngày 10/05/1999 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 04/1999/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với các khoản phí, lệ phí không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 04/1999/NĐ-CP nêu trên, tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hướng dẫn tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.

III/ VỀ CHI NGÂN SÁCH VÀ TIẾT KIỆM CHI:

1- Về chi ngân sách:

1.1- Căn cứ vào chỉ tiêu pháp lệnh Chính phủ giao, các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giao dự toán chi ngân sách năm 2000 cho các đơn vị trực thuộc theo đúng quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn. Trường hợp Hội đồng nhân dân chưa quyết định ngân sách, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Bộ Tài chính trước ngày 29/02/2000 phương án dự kiến phân bổ chi tiết trình Hội đồng nhân dân.

1.2- Đối với các Bộ, cơ quan Trung ương có các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn các tỉnh bị thiệt hại do lũ lụt cần ưu tiên nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả lũ lụt. Đảm bảo thực hiện tốt những nhiệm vụ quan trọng được giao, những nhiệm vụ đã có chủ trương, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; hạn chế tối đa kinh phí Hội nghị, không bố trí mua sắm các phương tiện làm việc đắt tiền chưa cần thiết, chỉ bố trí kinh phí đoàn ra theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

1.3- Khi quyết định ngân sách địa phương, các địa phương cần phân bổ dự toán chi bằng mức Thủ tướng Chính phủ giao; không phân bổ chi trên cơ sở chỉ tiêu thu phấn đấu, để quá trình điều hành nếu tăng thu có thêm nguồn giải quyết các nhiệm vụ chi đột xuất như thiên tai, cứu đói, ....

Việc phân bổ ngân sách cần tập trung bố trí ưu tiên cho các lĩnh vực, các nhiệm vụ, các mục tiêu trọng điểm theo hướng:

- Ngoài mức đã được Trung ương bố trí nguồn cân đối, các địa phương cần huy động nguồn lực tại chỗ, viện trợ, ... để khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt như xây dựng, sửa chữa các công trình thuỷ lợi, nông nghiệp, trường học bệnh viện, ... đảm bảo đủ giống cây trồng, vật nuôi nhằm khôi phục sản xuất, hỗ trợ để ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh cho nhân dân vùng bị thiên tai, lũ lụt.

- Tập trung vốn để phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, các nhiệm vụ xây dựng trung tâm cụm xã, chương trình 135, ... các địa bàn miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, ...

- Trong chi thường xuyên, tập trung cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và môi trường theo Nghị quyết Trung ương II đảm bảo không thấp hơn chỉ tiêu Bộ Tài chính đã thông báo.

- Chủ động sắp xếp và bố trí thanh toán các khoản nợ vay của ngân sách (cả gốc và lãi tiền vay) đến hạn phải trả trong năm nhằm lành mạnh ngân sách.

- Bố trí dự phòng ngân sách ở từng cấp ngân sách theo quy định của Luật NSNN (từ 3 đến 5% tổng chi ngân sách) và bố trí dự trữ tài chính cấp tỉnh ở mức cần thiết để chủ động ứng phó với các diễn biến đột xuất có thể xảy ra.

1.4- Các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân, đơn vị sử dụng ngân sách các cấp phải thực hiện nghiêm túc chủ trương công khai hoá tài chính, ngân sách theo quy định tại Quyết định số 225/1998/QĐ-TTg ngày 20/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.

1.5- Trên cơ sở dự toán chi được giao, các đơn vị dự toán cấp I phải phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách (đơn vị cấp III) chi tiết theo Mục lục NSNN. Trường hợp có khó khăn ít nhất phải chi tiết đủ 11 Mục chi chủ yếu sau đây:

+ Tiền lương (Mục 100).

+ Phụ cấp lương (Mục 102).

+ Học bổng học sinh, sinh viên (Mục 103).

+ Tiền thưởng (Mục 104).

+ Các khoản đóng góp (Mục 106).

+ Vật tư văn phòng (Mục 110).

+ Hội nghị (Mục 112)

+ Sửa chữa thường xuyên tài sản cố định phục vụ công tác chuyên môn và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng (Mục 117).

+ Sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ công tác chuyên môn và các công trình cơ sở hạ tầng (Mục 118).

+ Chi phí nghiệp vụ chuyên môn từng ngành (Mục 119).

+ Mua sắm tài sản cố định dùng cho công tác chuyên môn (Mục 145).

Nếu đơn vị dự toán cấp I chưa giao được trực tiếp cho đơn vị dự toán cấp III thì được phép uỷ quyền cho đơn vị dự toán cấp II giao cho đơn vị dự toán cấp III, nhưng đơn vị dự toán cấp I vẫn phải chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả phân bổ và gửi đến cơ quan tài chính đồng cấp xem xét. Trong vòng 15 ngày, nếu cơ quan tài chính không có ý kiến thì coi như được chấp nhận.

Việc cấp phát hạn mức kinh phí được thực hiện theo dự toán được duyệt và Mục lục NSNN. Trong thời gian trước mắt, nếu cơ quan tài chính và kho bạc chưa thực hiện cấp phát chi tiết theo tất cả các mục chi thì phải cấp phát ít nhất theo 11 mục chi chủ yếu theo quy định tại tiết 1.4 - điểm 1 - Phần III của Thông tư này. Khi thông báo hạn mức, ngoài các Mục chủ yếu, các mục chi còn lại được thông báo chung vào Mục 134 "chi khác". Khi thực chi, đơn vị sử dụng ngân sách được rút từ Mục 134 để chi cho các mục chi khác và được hạch toán, quyết toán theo đúng các mục của Mục lục NSNN.

1.6- Việc cấp phát hạn mức kinh phí uỷ quyền của ngân sách Trung ương, khi thông báo, Bộ Tài chính có thể không chi tiết hết 11 mục chi chủ yếu, những mục còn lại thông báo vào Mục 134 "chi khác", nhưng khi phân phối hạn mức kinh phí uỷ quyền, Sở Tài chính - Vật giá phải chi tiết ít nhất 11 mục chi chủ yếu theo quy định tại tiết 1.4 - điểm 1 - Phần III của Thông tư này.

1.7- Các đơn vị dự toán cần chủ động chi tiêu theo dự toán được duyệt. Cơ quan tài chính và kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm đảm bảo nguồn cho các nhiệm vụ chi có đủ điều kiện cấp phát. Riêng dự toán quý IV, cơ quan tài chính và kho bạc Nhà nước sẽ thực hiện cấp sớm kinh phí để các đơn vị dự toán chi tiêu kịp thời, tránh tình trạng chi chạy vốn và hạn chế việc xét chuyển kinh phí sang năm sau.

1.8- Trường hợp các đơn vị dự toán cần điều chỉnh dự toán chi tiết (điều chỉnh giữa các mục chi), thực hiện theo quy định tại điểm 8 - Phần IV- Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 trước ngày 15/11.

1.9- Trong quá trình thực hiện điều hành ngân sách:

- Đảm bảo chi đúng mục tiêu, đúng đối tượng và theo đúng dự toán được duyệt. Kho bạc Nhà nước phối hợp với cơ quan tài chính đồng cấp thực hiện kiểm soát chi tiêu chặt chẽ theo đúng quy định. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương Đảng, đoàn thể, Chủ tịch UBND các cấp và Thủ trưởng các cơ quan, các đơn vị cơ sở chịu trách nhiệm về quản lý, sử dụng có hiệu quả kinh phí NSNN. Những khoản chi đã ghi trong dự toán và có nguồn thu đảm bảo, các Bộ, ngành, địa phương không được tuỳ tiện cắt giảm. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm cấp phát theo tiến độ thực hiện công việc, tránh cấp dồn vào cuối quý, cuối năm (kể cả cấp bổ sung cho ngân sách cấp dưới). Trường hợp thu không đạt dự toán, ngân sách từng cấp phải chủ động sắp xếp lại chi, giảm chi tương ứng, chú ý giảm những khoản chưa thiết yếu trước. Nếu tăng thu, phần tăng thu được sử dụng tăng chi, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực thuỷ lợi, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, văn hoá và những nhiệm vụ chi thiết yếu khác.

- Số kết dư ngân sách năm 1999 của các cấp chính quyền địa phương, được xử lý theo đúng quy định tại điểm 8 - Phần V - Thông tư số 103/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính; trong đó phần đưa vào thu ngân sách năm 2000 không được phân bổ ngay cho các nhiệm vụ chi mà để tăng dự phòng nhằm chủ động giải quyết những nhiệm vụ quan trọng đột xuất phát sinh ở địa phương.

1.10- Các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước phải lập dự toán chi hàng quí (chia ra tháng), hết quí có báo cáo quyết toán hoặc tình hình sử dụng kinh phí cho cơ quan tài chính cùng cấp theo đúng qui định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật NSNN; Các trường hợp không có báo cáo quí trước thì cơ quan tài chính có quyền ngừng cấp phát ngân sách quí tiếp theo (trừ các khoản chi lương và có tính chất lương) cho đến khi các đơn vị này có báo cáo.

1.11- Những công việc phát sinh ngoài kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị phải chủ động sắp xếp chi trong phạm vi nguồn thu và tổng mức kinh phí được giao để thực hiện, trừ trường hợp thiên tai xảy ra ở mức độ nghiêm trọng với quy mô lớn.

1.12- Đối với chi đầu tư XDCB, việc quản lý, cấp phát vốn thực hiện theo đúng Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 của Chính phủ. Trong bố trí và cấp phát vốn, ưu tiên các công trình thuộc các lĩnh vực thuỷ lợi, nông nghiệp, giáo dục đào tạo, ... Toàn bộ phần bổ sung chi đầu tư XDCB tập trung trong nước do miễn, giảm thu thuế sử dụng đất nông nghiệp theo chính sách phải bố trí cho đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2- Về chương trình mục tiêu:

Ngoài nguồn ngân sách trung ương chuyền về, địa phương cần chủ động sắp xếp ngân sách để bổ sung thêm nguồn lực nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Việc tổ chức quản lý, cấp phát kinh phí, sắp xếp và lồng ghép các mục tiêu chương trình, ... sẽ có hướng dẫn riêng.

3- Về tiết kiệm chi:

Nghiêm túc thực hiện Pháp lệnh thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả kinh phí từ ngân sách nhà nước; Quyết định số 122/1999/QĐ-TTg ngày 10/05/1999 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước và Quyết định số 208/1999/QĐ-TTg ngày 26/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung Quyết định 122/1999/QĐ-TTg; Chỉ thị số 32/1999/CT-TTg ngày 29/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về cải tiến nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả, triệt để thực hành tiết kiệm trong tổ chức các cuộc họp và hội nghị và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3.1- Các Bộ, cơ quan ở trung ương và địa phương cần chủ động sắp xếp, bố trí, điều chuyển hợp lý trụ sở làm việc và phương tiện hiện có để phục vụ tốt công tác được giao. Hạn chế tối đa xây dựng mới trụ sở làm việc. Việc mua ô tô con phục vụ công tác phải căn cứ vào tiêu chuẩn định mức sử dụng xe ô tô và khả năng ngân sách, không để tình trạng vì mua ô tô mà cắt giảm các nhiệm vụ chi thiết yếu.

3.2- Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm thực hiện và giám sát việc thực hiện đúng chế độ chính sách, chế độ chi tiêu theo quy định của nhà nước. Nghiêm cấm các cơ quan hành chính sự nghiệp tự ban hành, thực hiện chế độ chi tiêu ngoài quy định của nhà nước.

3.3- Căn cứ vào mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước được thông báo, các Tổng công ty có trách nhiệm sắp xếp lại các hoạt động sự nghiệp (đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, sự nghiệp kinh tế) và thực hiện hạch toán các chi phí cho các hoạt động trên vào chi phí sản xuất kinh doanh theo chế độ quy định.

3.4- Các Bộ, ngành và các địa phương, đơn vị có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước chủ động triển khai các biện pháp tiết kiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị áp dụng khoán một số khoản chi theo hướng ổn định mức chi trong một số năm nhằm khuyến khích giảm biên chế và sử dụng kinh phí có hiệu quả. Tổ chức tốt việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, các biện pháp xã hội hóa các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, ... để giảm gánh nặng cho NSNN, đồng thời tạo điều kiện cho các sự nghiệp này phát triển.

3.5- Thực hiện giải quyết đầy đủ kịp thời các kiến nghị của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhà nước,... về lĩnh vực tài chính ngân sách. Đối với những kiến nghị còn có ý kiến khác nhau, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm.

IV/. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Thông tư này để tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và các cấp chính quyền địa phương thực hiện.

 

Phạm Văn Trọng

(Đã ký)