Thông tư số 13/TT-NH1 ngày 23/10/1992 Hướng dẫn thực hiện Quyết định 202/CT về tiếp tục làm thí điểm chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần trong hoạt động Ngân hàng (Văn bản hết hiệu lực)
- Số hiệu văn bản: 13/TT-NH1
- Loại văn bản: Thông tư
- Cơ quan ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Ngày ban hành: 23-10-1992
- Ngày có hiệu lực: 23-10-1992
- Ngày bị bãi bỏ, thay thế: 16-10-2015
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
- Thời gian duy trì hiệu lực: 8393 ngày (22 năm 12 tháng 3 ngày)
- Ngày hết hiệu lực: 16-10-2015
- Ngôn ngữ:
- Định dạng văn bản hiện có:
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/TT-NH1 | Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 1992 |
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 202/CT NGÀY 8/6/1992 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ VIỆC TIẾP TỤC LÀM THÍ ĐIỂM CHUYỂN MỘT SỐ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG
Ngày 8/6/1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định 202/CT về việc làm thí điểm chuyển một số doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần, kèm theo đề án thực hiện cụ thể. Đây là một chủ trương lớn, có liên quan rất mật thiết đến hoạt động Ngân hàng, do vậy Ngân hàng phải chú trọng việc phục vụ tiến trình cổ phần hoá, kết hợp với việc xử lý tốt những vấn đề chủ yếu sau đây :
1. Ngân hàng Nhà nước là thành viên Hội đồng thẩm định doanh nghiệp cổ phần hoá ở cấp Bộ hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
ở Hội đồng thẩm định cấp Bộ, Ban lãnh đạo giao cho Vụ tín dụng làm thường trực cùng với các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, tham gia những công việc cụ thể, thường xuyên báo cáo Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước để thực hiện tốt nhiệm vụ thành viên Hội đồng.
ở Hội đồng cấp tỉnh, Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước giao cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, trực tiếp tham gia Hội đồng thẩm định giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác Ngân hàng như đề án kèm theo Quyết định 202/CT ... Đối với từng doanh nghiệp cụ thể, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cùng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố xử lý các vấn đề thuộc doanh nghiệp mà Ngân hàng mình có quan hệ tín dụng. Việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước có liên quan mật thiết đến Ngân hàng trong quan hệ vay vốn, thanh toán, vì vậy các Ngân hàng phải chủ động bám sát tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp dưới sự chủ trì của Giám đốc NHNN, kiến nghị Hội đồng thẩm định có phương án xử lý đúng đắn những tồn tại về tín dụng và công nợ của doanh nghiệp thuộc vốn vay Ngân hàng.
2. Doanh nghiệp cổ phần hoá là doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và có triển vọng phát triển, vì vậy các khoản nợ Ngân hàng đều phải được hoàn trả đầy đủ các gốc và lãi vay. Khi tham gia xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp Nhà nước để định giá cổ phần hoá, phải xác định rõ dư nợ vay Ngân hàng đến ngày cổ phần hoá, bao gồm nợ vay dài hạn trung hạn và ngắn hạn. Từ tổng dư nợ trong giá trị tài sản đến ngày cổ phần hoá phải phân loại cụ thể. Mỗi loại nợ đều phải lập biên bản có chữ ký của Ngân hàng cho vay vốn, của Giám đốc doanh nghiệp cũ, của người được chỉ định điều hành doanh nghiệp trong khi cổ phần hoá. Biên bản phải được Chủ tịch Hội đồng thẩm định xác nhận.
3. Ngay trong khi định giá tài sản của doanh nghiệp, các Ngân hàng phải đôn đốc doanh nghiệp cổ phần hoá dùng các phương tiện tiền tệ hiện có (như tiền gửi Ngân hàng, quỹ tiền mặt...) để trả nợ quá hạn và đến hạn... nếu còn nguồn có thể trả khoản nợ vay khác dù chưa đến hạn trả. Trường hợp doanh nghiệp có nợ vay nhiều Ngân hàng thì các Ngân hàng đó cùng kết phối hợp thu nợ.
Nguồn vốn thu được từ việc phát hành cổ phiếu phải trả đủ số dư nợ vay Ngân hàng. Riêng nợ vay về vốn lưu động chưa đến hạn trả nếu thuộc phần tài sản chuyển sang doanh nghiệp cổ phần thì doanh nghiệp đó có thể xin Ngân hàng cho nhận nợ lại, nếu Ngân hàng đồng ý thì lập khế ước khác và chủ doanh nghiệp mới phải cam kết hoàn trả nợ đúng hạn định.
Trường hợp có nợ khoanh chờ xử lý, trước hết phải dùng số tiền thu bán tài sản thuộc lại khoanh lại để trả nợ vay Ngân hàng, số nợ còn lại phải lập biên bản riêng, có chữ ký của chủ quản doanh nghiệp trước đây (Bộ hoặc Uỷ ban Nhà nước tỉnh, thành phố) và xác nhận của Hội đồng thẩm định cổ phần hoá để làm căn cứ giải quyết số nợ này.
4. Các Ngân hàng Thương mại và Ngân hàng Đầu tư và phát triển cần theo dõi, bám sát các doanh nghiệp cổ phần hoá đi vào hoạt động, trong phạm vi chức năng của mình để giúp đỡ các doanh nghiệp đó sản xuất kinh doanh tốt ngay từ bước đầu. Việc cho vay vốn đối với doanh nghiệp này cũng phải chấp hành đầy đủ các chế độ, thể lệ về thanh toán và tín dụng hiện hành.
5. Các Ngân hàng và tổ chức tín dụng không cho vay vốn để các doanh nghiệp hoặc tư nhân dùng tiền vay đó mua cổ phiếu.
Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Đầu tư và phát triển chỉ được phép làm đại lý mua bán cổ phiếu phục vụ chủ trương cổ phần hoá một số doanh nghiệp Nhà nước. Ngân hàng nào làm dịch vụ này cần đăng ký với ban chỉ đạo (Hội đồng) cổ phần hoá ở địa phương, có đề án cụ thể và tự tổ chức phục vụ và thông báo cho khách hàng. Lệ phí dịch vụ do hai bên mua b án thoả thuận trên nguyên tắc bảo đảm hạch toán kinh doanh của Ngân hàng.
6. Trên cơ sở Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và Công ty tài chính, các Ngân hàng và tổ chức tín dụng có thể mua cổ phiếu tại các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hoá bằng nguồn vốn hợp pháp của mình. Ngoài ra các cán bộ, công nhân viên chức Ngân hàng cũng có thể mua cổ phiếu theo quy định chung của Nhà nước.
Trên đây là những công việc chủ yếu của Ngân hàng nhằm phục vụ và xử lý nợ theo chủ trương cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn riêng về việc cổ phần hoá đối với một số Ngân hàng quốc doanh và xí nghiệp trực thuộc ngành Ngân hàng.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trong phạm vi trách nhiệm của mình, hướng dẫn các cơ sở trực thuộc thực hiện đầy đủ.
| KT/ THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC |