cơ sở dữ liệu pháp lý


Quyền chọn (Option) là một công cụ chứng khoán phái sinh cho phép người mua quyền chọn có quyền, chứ không phải nghĩa vụ mua hoặc bán một tài sản nào đó.

Xét về mục đích, quyền chọn có hai loại là quyền chọn mua (call option) và quyền chọn bán (put option). Một người sở hữu quyền chọn mua (hay bán) sẽ có quyền mua (hay bán) một tài sản tại một mức giá nhất định vào một thời điểm nhất định đã được xác định trước.

Xét về thời điểm thực hiện quyền của người mua quyền, có hai loại quyền chọn là quyền chọn kiểu châu Âu và quyền chọn kiểu Mỹ. Quyền chọn kiểu châu Âu chỉ cho phép thực hiện quyền khi đáo hạn, trong khi quyền chọn kiểu Mỹ cho phép thực hiện quyền vào bất kỳ thời điểm nào trước khi đáo hạn.

Tại hoặc trước thời điểm xác định trong hợp đồng (tùy thuộc vào loại quyền chọn), người mua quyền có thể thực hiện hoặc không thực hiện quyền mua (hay bán) tài sản. Nếu người mua thực hiện quyền mua (hay bán), thì người bán quyền buộc phải bán (hay mua) theo các quy định trong hợp đồng đã ký.

Quyền chọn có vai trò là công cụ phòng chống rủi ro trong giao dịch hàng hóa – dịch vụ hoặc đầu tư tài chính. Thực hiện mua quyền chọn sẽ có những lợi ích như sau:

Gọi P m và P hđ lần lượt là giá thị trường và giá thực hiện theo hợp đồng của tài sản tại thời điểm thực hiện quyền chọn. F là phí mua quyền chọn.

Đối với người mua quyền chọn mua:

 - Nếu P m > P hđ, người mua quyền sẽ thực hiện quyền mua tài sản của mình vì khi đó họ sẽ có lợi nhuận là P m - P hđ – F (là chênh lệch giữa giá thị trường so với giá mua theo hợp đồng và phí mua quyền chọn).

  - Nếu P m < P hđ, người mua quyền sẽ lựa chọn phương án không thực hiện quyền mua.

Ví dụ, một người muốn mua 1.000 cổ phiếu XYZ vì dự đoán rằng giá của cổ phiếu này sẽ tăng từ 50.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại lên 100.000 đồng/cổ phiếu trong vòng một tháng tới. Nếu người đó mua luôn bây giờ thì sẽ phải đối mặt với rủi ro giảm giá của cổ phiếu đó, giả sử xuống còn 25.000 đồng/cổ phiếu. Nếu rủi ro thực sự xảy ra, nhà đầu tư sẽ bị thiệt hại 25.000 đồng × 1.000 cổ phiếu = 25.000.000 đồng.

Vì vậy, để tránh rủi ro, nhà đầu tư mua một quyền chọn mua cổ phiếu XYZ vào thời điểm đáo hạn một tháng sau với phí mua quyền là 15.000 đồng/cổ phiếu và giá thực hiện là 50.000đ/CP. Đến thời điểm đáo hạn, nếu giá cổ phiếu XYZ tăng lên như dự báo là 100.000đ/CP thì lợi nhuận thu được của nhà đầu tư sẽ là (50.000 đồng – 15.000 đồng) × 1.000 cổ phiếu = 35.000.000 đồng. Nếu giá cổ phiếu XYZ giảm thì nhà đầu tư sẽ không thực hiện quyền mua của mình và chịu mất 15.000.000đ tiền phí khi ký hợp đồng mua quyền chọn. Đây là mức thiệt hại cao nhất nếu sử dụng công cụ quyền chọn trong đầu tư chứng khoán. Như vậy, với công cụ quyền chọn, nhà đầu tư đã giảm thiểu được thiệt hại cho mình nếu rủi ro thực sự xảy ra.

Đối với người mua quyền chọn bán: Tương tự như vậy, nhà đầu tư sẽ chọn mua quyền chọn bán trong trường hợp dự báo giá cổ phiếu sẽ giảm trong thời gian tới. Nếu sau đó, giá cổ phiếu giảm như dự báo thì nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu với giá cao hơn giá thị trường.

Mặc dù quyền chọn là một công cụ đã được áp dụng từ lâu tại nhiều nước trên thế giới nhưng ở Việt Nam loại hình này mới chỉ được áp dụng thử nghiệm trên thị trường ngoại hối mà chưa có trên các thị trường khác. Tại thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu tạm dừng tất cả các giao dịch quyền chọn trên thị trường ngoại hối để điều chỉnh và bổ sung các quy định liên quan đến nghiệp vụ này./

(Nguồn: http://www.ssc.gov.vn/)